Xu hướng tiêu dùng bán lẻ

Tốc độ tăng trưởng của hoạt động M&A năm 2010 đạt tới 65% so với năm 2009, nhưng 54% là các thương vụ nhỏ có giá trị mỗi vụ dưới 5 triệu USD.
Năm 2010 hoạt động mua bán, sáp nhập (M&A) DN tại VN đạt đỉnh cao mới với 345 vụ và tổng giá trị khoảng 1,7 tỉ USD. Tuy nhiên, tại “Diễn đàn M&A Việt Nam 2011” vừa diễn ra tại TPHCM, bức tranh M&A được vẽ lên còn nhiều cản ngại.
Đa phần là các thương vụ nhỏ
Mặc dù tốc độ tăng trưởng của hoạt động M&A năm 2010 đạt tới 65% so với năm 2009, nhưng đa phần – chiếm tới 54% – là các thương vụ nhỏ có giá trị mỗi vụ dưới 5 triệu USD.
Về số lượng, lĩnh vực công nghiệp chiếm cao nhất 23% số vụ, song về giá trị đạt cao nhất vẫn thuộc về lĩnh vực tiêu dùng chính, với 25%.
Ông Tô Hải-TGĐ CTCK Bản Việt-cho rằng: “Xu hướng M&A trong năm 2011 vẫn tiếp tục phát triển mạnh, đặc biệt sẽ có nhiều thương vụ trong lĩnh vực hàng tiêu dùng, bán lẻ”.
Hoạt động M&A tại VN đã có nhiều chuyển biến mới. Theo Cty AVM Vietnam, năm 2010 có tới 68,75% thương vụ DN VN đóng vai trò bên mua, trong khi năm trước đó chỉ đạt 45%. Điều này cho thấy DN VN đã chủ động hơn, và xem M&A như một công cụ để gia tăng các thế mạnh và khai thác tiềm năng thông qua việc hợp tác, mở rộng quy mô, lĩnh vực.
Ông Tô Hải cho biết thêm, hoạt động M&A năm qua đã giảm loại thâu tóm thù địch. Một nét mới nữa là các thương vụ M&A được thực hiện thông qua chào mua công khai. Năm 2011, các thương vụ M&A thông qua sở giao dịch CK, thông qua đàm phán công khai sẽ tiếp tục gia tăng, tập trung nhiều nhất vào các DN vừa và nhỏ.
Cần thêm gì để tăng trưởng?
Ông Nitil Jaiswal – chuyên gia của Hãng tin Blooberg – đưa ra đánh giá: “Thị trường M&A tại VN còn nhiều tiềm năng, nhưng nhìn chung quy mô của các Cty VN không đủ lớn để thu hút các tập đoàn nước ngoài. Để cải thiện, các Cty nhỏ VN nên tập hợp lại, đồng thời thông tin DN phải được công bố thường xuyên, công khai chứ không thể cứ để rò rỉ qua các nhà đầu cơ như hiện nay”.
Theo ông Tô Hải, nhiều thương vụ được cho là chào bán công khai nhưng thực ra “mọi việc đã được âm thầm tiến hành xong hết rồi, sau đó mới làm thủ tục chào mua, chào bán công khai”.
Tình hình khó khăn về vốn từ NH đến DN và TTCK ảm đạm tưởng chừng là điều kiện tốt để thúc đẩy các vụ M&A. Tuy nhiên, nghịch lý cũng chính ở chỗ có rất nhiều CTCK làm ăn thất bát nhưng vẫn cứ tồn tại. Trên thực tế, trên thị trường hiện có hơn 100 CTCK nhưng lại có rất ít vụ M&A.
Ông Nguyễn Lâm Dũng-TGĐ CTCK VPBank-cho biết, hiện có từ 10-15 CTCK chiếm hơn 50% thị phần, hơn 85 Cty còn lại nếu sáp nhập thì cũng không mở rộng được thị phần và khách hàng thêm được bao nhiêu. Các Cty này có công nghệ, ý tưởng kinh doanh và cách thức quản trị khác nhau, nguồn nhân lực lại hay biến động, do đó rất khó sáp nhập.
Để thúc đẩy M&A các CTCK, theo ông Dũng, Nhà nước cần ban hành lộ trình tăng vốn điều lệ, để buộc các CTCK phải tìm đến nhau sáp nhập như trong lĩnh vực NH.
Ông Tô Hải đặt vấn đề: “Các DN tư nhân khi sáp nhập thì phải chào bán chào mua công khai trong khi các tập đoàn, TCty nhà nước khi cấu trúc lại phải M&A thì được hưởng đặc quyền không cần như vậy, khiến cho tính minh bạch trong hoạt động M&A không được bảo đảm, và nhiều nhà đầu tư bị thiệt thòi về cơ hội chào mua”.
Nhìn nhận đây là tình trạng có xảy ra trong thực tế, ông Nguyễn Đoan Hùng – Phó Chủ tịch UBCKNN – cho biết đó là một số trường hợp đặc thù, nhưng UBCKNN sẽ xem xét để lại vấn đề này.
Nhìn từ góc độ vĩ mô, ông Gordon Parker – GĐ điều hành Morgan Stanley Hồng Kông – cho rằng: “Cản trở lớn nhất đối với hoạt động M&A hiện nay chính là kinh tế vĩ mô với các yếu tố như tỉ giá, lạm phát và lãi suất”.

Trả lời