“Lãi – lỗ” trong đầu tư bóng đá – Nghệ thuật tiêu tiền

kn26
Sẽ có nhiều người thắc mắc tại sao đội bóng đang đứng trước bờ vực rớt hạng mà bầu Thắng của Đồng Tâm Long An vẫn cứ tỉnh như không.
Cũng như các mùa trước, ông bầu này cứ tỉnh queo: “Rớt hạng cũng chẳng sao cả”. Và vì thế mà ông nhất định không đầu tư thêm tiền vào thị trường chuyển nhượng.
 
Bỏ 1 thu… nhiều
 
Nếu hạch toán độc lập, chắc chắn là một CLB không có con số dương về lợi nhuận. Nói cách khác, đã làm bóng đá thì chỉ có bỏ tiền ra chứ số thu không đáng kể. Tiêu biểu như trường hợp của đội Sông Lam Nghệ An khi mùa bóng 2011, họ chỉ thu chưa đến 200 triệu đồng tiền bán bảng quảng cáo trên sân. Họ không có thương hiệu gắn trên tên gọi và áo thi đấu. Trong khi đó, số chi hoạt động của họ tối thiểu là 20 tỷ đồng/năm cho các khoản lương, thưởng và di chuyển thi đấu.
 
kn26
Nếu tính thêm chi phí chuyển nhượng cũng như tổ chức thì phải thêm 5-7 tỷ đồng nữa.
Vậy mà bầu Đức của Hoàng Anh Gia Lai cách đây 5 năm vẫn tuyên bố: “Có lãi, thậm chí là lãi to đến mức không xác định nổi”. Theo ông này, trong 2 năm 2003, 2004, doanh số của cả tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai tăng 200% trong khi mức đầu tư cho đội bóng chỉ chiếm có 1%.
 
Về phần mình, bầu Thắng cho biết, từ khi đầu tư cho đội bóng, trừ đi chi phí rót thẳng xuống CLB thì vẫn tiếp kiệm được vài chục tỷ đồng tiền quảng cáo so với trước. Tạm hiểu, số tiền tiết kiệm được chính là lãi ròng hằng năm và mức lãi này có thể còn tăng nếu mỗi lúc đội bóng càng chơi tốt hơn. Đấy là chưa nói những giá trị vô hình về mặt thương hiệu, nhất là khi các doanh nghiệp “lên sàn”. Kể cả khi đội bóng thi đấu có phần kém cỏi thì thương hiệu vẫn được nhắc đến, thậm chí có tần suất còn cao hơn.
 
Có ý kiến cho rằng, thi đấu kém ảnh hưởng đến thương hiệu. Chính vì vậy mà bầu Thắng lại càng giữ chặt quan điểm của mình về mua sắm lực lượng. Theo ông, nếu tốn kém mà chơi không thành công thì sẽ làm ảnh hưởng tiêu cực đến thương hiệu. Nếu đội bóng nỗ lực thi đấu mà vẫn rớt hạng thì chẳng sao cả. Giá trị của thương hiệu vẫn chỉ chịu tác động nhẹ. Xét về góc độ kinh doanh, vẫn còn có lợi.
 
Lãi… vô hình
Quan điểm của bầu Thắng nhận được sự tán thành của giới marketing và đã được áp dụng rộng tại các đội như Hà Nội ACB, Hòa Phát Hà Nội hay SHB Đà Nẵng. Đầu tư cho bóng đá được trích thẳng từ nguồn ngân sách tiếp thị – quảng cáo hàng năm (chiếm 10-20% doanh thu) của các tập đoàn. Ví dụ như Tập đoàn Hòa Phát có doanh thu vài ngàn tỷ đồng mỗi năm thì với trên dưới 40 tỷ đồng cho đội bóng thì chỉ chiếm chưa quá 10% của ngân sách quảng cáo. Chỉ cần cắt bớt một số chi phí PR hay sản xuất quảng cáo là dôi ra số tiền này. Tập đoàn càng có quy mô đa ngành nghề, địa bàn rộng càng có lợi khi dùng bóng đá quảng bá thương hiệu. Và đó là lý do mà các ông bầu chẳng ngại ngần khi tiêu tiên cho bóng đá.
“Lãi vô hình” đã thấy nhưng có khi, còn có cả lợi nhuận trực tiếp bằng tiền nếu có cách làm dài hơi. Theo chúng tôi được biết, công ty thể thao quản lý đội Hoàng Anh Gia Lai được rót thẳng 300 tỷ đồng tiền vốn từ tập đoàn chứ không qua ngân sách quảng cáo. Số tiền này được công ty thể thao đầu tư kinh doanh trạm dừng chân, du lịch sinh thái và học viện bóng đá. Theo tính toán của bầu Đức, chỉ chừng 3-5 năm nữa, những khoản đầu tư trên sẽ sinh lãi và hoàn vốn.
Tất nhiên, những cách làm bóng đá “có lãi” nói trên không dễ dàng chút nào và đã có không ít các ông bầu lâm vào cảnh kiệt sức khi đầu tư cho bóng đá.

Trả lời