Xử lý tin đồn, thêm bài học quý

55
Giới đầu tư tài chính đã có những ngày nghỉ cuối tuần trước không êm ả khi dồn dập những tin đồn về lãnh đạo các ngân hàng bị bắt giam. Một sự kiện khá bình thường do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh TP. HCM tổ chức hôm qua, 17 DN của quận Tân Phú ký kết hợp đồng tín dụng với 5 ngân hàng tổng giá trị 95 tỷ đồng, đã trở nên đặc biệt bởi sự có mặt của hai nhân sự cao cấp của Sacombank là ông Trầm Bê, Phó chủ tịch HĐQT và ông Phan Huy Khang, Tổng giám đốc.
55
 
 Thông thường, một sự kiện cấp quận như vậy chỉ cần sự có mặt của lãnh đạo chi nhánh ngân hàng cơ sở. Nhưng việc ông Trầm Bê có mặt ở sự kiện không gây bất ngờ cho giới truyền thông, bởi đây là cơ hội mà ông mong muốn và chính NHNN chủ động sắp xếp để báo chí gặp mặt, nhằm gửi đến dư luận thông điệp rằng, ông Bê không bị bắt, bị khởi tố như những tin đồn đang lưu hành.
Có thể nói, người dân, đặc biệt là giới đầu tư tài chính đã có những ngày nghỉ cuối tuần trước không êm ả khi dồn dập những tin đồn về lãnh đạo các ngân hàng như Sacombank, Techcombank, Tập đoàn Masan… bị bắt giam. Những tin đồn này gây hoang mang lớn trong dư luận và nó đã thể hiện bằng một phiên giảm điểm mạnh của TTCK vào thứ Hai tuần này.
Kể từ khi tin đồn bắt đầu nhen nhóm, ông Trầm Bê và một số nhân vật dính dáng đến tin đồn đã xuất hiện tại Khách sạn Rex, TP. HCM – nơi mà giới đầu tư tài chính chuyên nghiệp và cả một số doanh nhân thường hay chọn làm địa điểm để gặp mặt, bàn chuyện làm ăn, hay đơn giản chỉ là cà phê buổi sáng.
Nhưng thiếu sự hỗ trợ của giới truyền thông, nên sự xuất hiện của các cá nhân này không có sức lan tỏa để dập tắt tin đồn.
Bản thân ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Masan – người rất hiếm khi xuất hiện trước báo giới, tuần qua đã lên tiếng phủ nhận tin đồn thông qua một tờ báo mạng.
Nhưng nhiều nhà đầu tư vẫn bán tin bán nghi về “tình trạng” của ông Quang cho đến khi báo chí đồng loạt đăng tải hình ảnh của ông này trong một sự kiện của Masan tại TP. HCM.
Quay trở lại lý do tin đồn có thể hoành hành và lên đến cực điểm vào cuối tuần qua, khách quan đánh giá, có thể thấy một phần nguyên nhân là do thông tin về việc khởi tố bắt tạm giam ông Nguyễn Đức Kiên và ông Lý Xuân Hải, nguyên Tổng giám đốc Ngân hàng ACB đã không được thông tin rõ ràng, chi tiết hơn đến người dân.
Riêng việc bắt tạm giam ông Hải, có báo lớn đăng tin, rồi ACB lại phủ nhận, sau đó tin đồn thành thật, khiến người dân buộc phải đề phòng cao độ với những tin đồn mới.
Hy vọng rằng, sự xuất hiện khá đồng bộ của đại diện cơ quan công an nói về vi phạm của những người bị bắt, của NHNN và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước để cung cấp thông tin và trấn an dư luận, cộng với sự xuất hiện công khai của ông Trầm Bê, ông Quang và những thông tin tích cực từ thanh khoản của ACB sẽ giúp dư luận, người gửi tiền ở các ngân hàng, nhà đầu tư chứng khoán bình tĩnh trở lại, để có những hành động ứng xử phù hợp hơn là sự mất bình tĩnh như trước đó.
Đây chính là một bài học quý nữa cho cơ quan quản lý, các DN trong xử lý khủng hoảng thông tin. Lần này, tuy những tin đồn có lúc tưởng chừng đã vượt quá tầm kiểm soát, nhưng thực tế đã không đi quá giới hạn bởi sự phối hợp phản ứng kịp thời từ các cơ quan chức năng cũng như ngân hàng, DN và cá nhân bị tin đồn, như dư luận đã chứng kiến trong mấy ngày vừa qua. Hy vọng, sóng gió sẽ sớm qua đi và thị trường sẽ bình tâm trở lại để phản ánh đúng với giá trị thực của các DN.

Trả lời