Não phải, não trái và mô hình kinh doanh mới

2
Albert Einstein nói: “Trí tưởng tượng quan trọng hơn kiến thức nhiều”. Một nhà báo hỏi Albert Einstein về việc làm thế nào mà ông có thể phát triển được các học thuyết phức tạp như vậy. Einstein chỉ tay vào đầu và nói rằng ông sử dụng một chiếc bút chì và một mẩu giấy để phát triển ý tưởng của mình.
2
Điều này rõ ràng thể hiện sự liên kết hoàn hảo giữa phân tích và tính sáng tạo trong viêc giải quyết vấn đề. Kết quả là Einstein đã đưa ra được nhiều học thuyết khoa học nổi tiếng, bao gồm cả thuyết tương đối. Sự kết hợp giữa não phải và não trái: lý trí và tư duy logic kết đôi với trí tưởng tượng và tính sáng tạo đã đem lại những kết quả tuyệt vời nhất.
Những trích dẫn thú vị về Einstein hướng đến một sự thay đổi khá nền tảng trong các suy nghĩ kinh doanh ngày nay. Trên thực tế, các nhà quản trị kinh doanh đang theo đuổi một khái niệm mới về sự hợp nhất giữa các khả năng phân tích và sự sáng tạo. Và đó chính là nơi mà não phải và não trái gặp nhau.
Stephen J. Adler, Tổng biên tập tờ Business Week, là một trong những người tiên phong xây dựng một môi trường kinh doanh mới, được gọi là “Nền kinh tế sáng tạo”. Trong một ấn bản phẩm phẩm khá nổi tiếng vào cuối năm 2006, “Ready. Set. Innovate” (Sẵn sàng cho sáng tạo), ông diễn giải:
 
“Nền kinh tế sáng tạo thoạt nghe có vẻ hơi cường điệu, nhưng các công ty theo đuổi khái niệm này sẽ gặt hái được những kết quả nền tảng mà các công ty khác không thể có được. Rất nhiều công ty thông minh biết rằng họ có thể dẫn đầu trên thị trường bằng việc chú tâm lắng nghe các khách hàng và suy nghĩ lại về cách thiết kế sản phẩm. Đó là cách thức mà Starbucks thành công với công việc kinh doanh cà phê của mình và tại sao Swiffer chiếm lĩnh thị trường giẻ lau sàn.
Khi mà những thiết kế sáng tạo và cách tân trong sản phẩm và dịch vụ dường như góp phần đáng kế trong thành công kinh doanh tương lai, chúng ta nên mở rộng ý tưởng của Adler.
Chúng ta có thể quả quyết rằng yếu tố sáng tạo và cách tân nên được tận dụng để hoàn thiện cấu trúc kinh doanh tổng thế của công ty – chứ không đơn thuần ở R&D, bán hàng và tiếp thị – khi các công ty nỗ lực đưa những sản phẩm/dịch vụ mới ra thị trường.
 
Các nhà quản trị kinh doanh ngày nay phải đối mặt với rất nhiều thách thức và sự phức tạp của việc kinh doanh trong môi trường toàn cầu. Cạnh trang đang ở mức đỉnh điểm và sẽ còn gia tăng khi mà các nền kinh tế mới nổi đầy quyền lực như Trung Quốc và Ấn Độ tiếp thị sản phẩm và dịch vụ của họ. Việc công ty thấm nhuần về một nền văn hoá sáng tạo có thể tạo ra nhiều sự khác biệt nổi bật và nhờ đó giải quyết ổn thoả mọi thách thức kinh doanh mới phát sinh.
Hơn tất cả, nếu các nhà quản trị kinh doanh muốn trở thành những người suy nghĩ sáng tạo, những người biết cách giải quyết vấn đề để giữ cho công ty luôn đứng vững trên thị trường, thì liệu chỉ với những phương thức cơ bản họ có thể đạt được mục đích? Chúng ta có thể gọi đây là một bước đi để hợp nhất những suy nghĩ của não phải (sáng tạo, cách tân và thiết kế) với những suy nghĩ của não trái (phân tích, giải thích) trong mọi hành động kinh doanh.
 
Xây dựng một mô hình kinh doanh sáng tạo
Kể từ khi giữ chức CEO của P&G, Alan Lafley không ngừng nỗ lực để tích hợp những giá trị mang tính sáng tạo vào trong cấu trúc kinh doanh tổng thể. Trong một cuộc phỏng vấn, Alan cho biết:
“Chúng tôi muốn sáng tạo ra các trải nghiệm mua sắm… chúng tôi muốn sáng tạo mọi cấu thành của sản phẩm; và chúng ta muốn sáng tạo các trải nghiệm giao tiếp và trải nghiệm sử dụng. Tất cả đều phải sáng tạo. Và tôi nghĩ rằng điều đó không đơn giản chút nào”.
Lafley đã giao phó một vai trò mới cho giám đốc tiếp thị của P&G, Claudia Kotchka – “Phụ trách dự thảo cách tân và chiến lược” (VP for Design Innovation and Strategy) – để biến P&G thành cái mà bà gọi là “nền văn hoá với trọng tâm sáng tạo”.
Procter & Gamble không phải là công ty duy nhất theo đuổi khái niệm sáng tạo các trải nghiệm tổng thể dành cho khách hàng – hay kế hoạch sáng tạo các trọng tâm cốt lõi trong chiến lược kinh doanh.
Các công ty như Dell, Apple, Starbucks, Nokia, Samsung và BMW cũng đang có kế hoạch áp dụng triết lý với trọng tâm là sáng tạo. Và bằng chứng là có rất nhiều bài viết thể hiện xu hướng này. Những công ty này đều là những công ty hàng đầu trong lĩnh vực mà họ kinh doanh. Song để triển khai hiệu quả, suy nghĩ này phải thấm nhuần tới toàn thể công ty từ CEO cho đến các nhân viên cấp thấp nhất.
Bạn có thể tự đặt câu hỏi: liệu tất cả điều này có ý nghĩa gì đối với những công ty quy mô trung bình hay nhỏ? Câu trả lời là: bất cứ sản phẩm hay dịch vụ nào bạn đang cung cấp, B2B hay B2C, bạn cũng phải đối mặt với sức ép cạnh tranh ngày một lớn từ các đại gia hàng đầu cho đến những công ty nhỏ bé nhất và từ tất cả mọi nơi trên thế giới. Và đã đến lúc phải thay đổi những suy nghĩ của bạn theo hướng tươi mới hơn.
Não trái, Não phải
Khoa học đã tìm hiểu được những đặc tính khác biệt của hai bán cầu não. Nó giải thích tại sao các hệ thống giảng dạy của chúng ta đều dạy theo các tiến trình, bài giảng cụ thể. Bởi vì cách thức này dễ được tiếp thu nhất khi não trái xử lý các thông tin logic. Trong khi đó, có rất ít các khoá học theo đuổi những suy nghĩ của não phải, ngoại trừ một số ngành nghệ thuật.
Rõ ràng mỗi một bán cầu não sẽ đảm trách các kỹ năng cụ thể và khi được phát triển, nó sẽ đem lại những bộ kỹ năng hoàn toàn khác nhau.
Daniel Pink – chuyên gia kinh tế, tác giả nhiều cuốn sách và đã từng chịu trách nhiệm soạn thảo các tuyên bố, các bài diễn thuyết cho Nhà trắng – đã có bài thuyết trình trước rất nhiều nhà lãnh đạo kinh doanh danh tiếng tại London với chủ đề: “Cách phát hiện ra và dẫn dắt những nhân viên mới: Tại sao và như thế nào để não phải đóng vai trò thiết yếu quyết định thành công trong kinh doanh”.
Trong bài thuyết trình của mình, Pink nhấn mạnh rằng: “Kỷ nguyên mà não trái thắng thế và thời đại thông tin do nó phát sinh ra đang dần được thay thế bởi một thế giới mới mà tại đó các phẩm chất của não phải như sáng tạo, trực giác, sẽ nổi trội hơn. Quả vậy, chúng ta đang chuyển từ một kỷ nguyên mà những ai có bằng MBA (cử nhân quản trị kinh doanh) hầu như chắc chắn được tuyển dụng tới sự thắng thế của những người có bằng MFA – Master of Fine Arts (cử nhân mỹ thuật) có thể mở ra nhiều hướng hành động mới mẻ hơn.
Đây thực sự là một cách thức suy nghĩ hoàn toàn mới. Có lẽ câu trả lời cho việc phải đương đầu với các thách thức kinh doanh ngày nay như thế nào không phải là đơn nhất lựa chọn các giải pháp, kỹ năng từ một bán cầu não riêng biệt, mà phải có sự phối kết hợp cả hai.
Một vài trường đại học kinh doanh hàng đầu thế giới như Oxford, Harvard, Georgetown và Northwestern đang cung cấp những khoá đào tạo về thiết kế sản phẩm, cách tân sản phẩm hay quản lý quy trình thiết kế tới các học viên MBA. Trường đại học Stanford còn xây dựng một viện nghiên cứu thiết kế mới để dạy các chiến lược thiết kế cả cho sinh viên kinh doanh lẫn sinh viên thiết kế. Còn trường đại học quản lý Rotman, Canada phát triển nhiều chương trình đào tạo kinh doanh chuyên về chiến lược thiết kế và cách tân. Chiều hướng này xem ra còn tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.
Có thể thấy, những nhà lãnh đạo kinh doanh ngày nay cần theo đuổi triết lý suy nghĩ mới về “một nền kinh tế sáng tạo”. Các công ty cũng như các bộ phận thiết kế cần phải hợp nhất sức mạnh lý trí và tính sáng tạo thành một khối thống nhất. Kết quả sẽ đem đến cho các khách hàng những trải nghiệm thú vị hơn và có ý nghĩa hơn. Đó cũng chính là điều sẽ đem lại cho các công ty sự tín nhiệm và lòng trung thành của khách hàng.

Trả lời