Quảng cáo từ áo phông

quangcao
“Khách hàng của bạn không mua hàng chỉ vì họ thấy sản phẩm của bạn trong mục quảng cáo. Họ mua những thứ đó bởi vì bạn bè của họ khuyên họ mua”. Từ kết luận này, Jason Sadler đã lập nên một công ty quảng cáo thành công.
Khi Jason Sadler tạo ra một sự thay đổi trang phục, hàng ngàn người chú ý. Sadler không phải là người mẫu thời trang, anh là người sáng lập nên IWearYourShirt.com. Sadler được trả tiền để mặc quần áo.
quangcao
IWearYourShirt ra đời từ một ý tưởng chợt lóe lên trong đầu Sadler: sắp xếp lại các sản phẩm. Thay vì giới thiệu hàng hoá hoặc dịch vụ trong các bộ phim và các chương trình truyền hình, Sadler sản xuất kịch bản hài, tập trung vào các sản phẩm và dịch vụ khác nhau – bằng cách mỗi ngày mặc một chiếc T-shirt có trang trí phù hiệu và logo của các công ty khác nhau.
Với Santa Clara, California, công ty cho thuê sách giáo khoa có trang web là Chegg.com, Sadler thiết kế một chiếc T-shirt trên đó in hình “linh vật” của công ty: một vỏ trứng bị nứt với hai chân và mỏ của con gà có tên là Shelly.
“Nó giống như một chương trình truyền hình thực tế để quảng cáo”, Sadler, người sẵn sàng đội tóc giả và thậm chí mặc váy để tương tác một cách sáng tạo với sản phẩm hay dịch vụ cần quảng cáo. Nhưng nếu chỉ đơn giản là bán hàng thì những gì IwearYourShirt đang làm dễ bị nhầm lẫn với một mục quảng cáo thương mại bình thường. Vì vậy, mục đích của những người làm chương trình này là tạo nên các cuộc trò chuyện về những sản phẩm, dịch vụ – để từ đó rút ra thông điệp của mình chứ không áp đặt nó một cách gượng ép. Mặc dù mang mục đích quảng cáo rõ ràng như vậy, có tới 50.000 người tiêu dùng thường xuyên theo dõi chương trình IWearYourShirt hàng ngày. Chương trình hiện nay bao gồm ba giờ truyền hình trực tiếp, những đoạn video ngắn đăng trên YouTube, vô số hình ảnh trên Flickr, Facebook và liên tục cập nhật thông tin trên Twitter.
 
Danh sách các khách hàng của IWearYourShirt bao gồm nhiều doanh nghiệp khác nhau, cả lớn lẫn nhỏ, từ tác giả của các cuốn sách, nhà phát minh cho đến các công ty sản xuất phần mềm Nissan và Citrix. Trong năm 2010, lợi nhuận của công ty đã tăng gấp đôi, lên đến 200.000 đô la. Năm nay, Sadler hy vọng lợi nhuận của IWearYourShirt sẽ tăng lên 250.000 đô la.
 
Tại sao người ta chuyển kênh sang theo dõi chương trình của Sadler? Vì các đoạn video của Sadler có thể nói về bất cứ điều gì, kể cả những điều nhàm chán nhất từ quần áo có hình chữ thập biểu tượng của thành phố Fort Smith, Arkansas (Mỹ), tới trang phục có biểu tượng của Beauty Boutique và bàn luận về hình ảnh của loài rùa biển và cá heo trên một bức tranh tường của Tổ chức Bảo vệ Động vật hoang dã.
Một trong những lý do khác khiến khán giả theo dõi các chương trình của Sadler là vì các nhà quảng cáo thường cung cấp các mẫu sản phẩm miễn phí cho những khán giả gửi tin nhắn cho IWearYourShirt trên trang Facebook hoặc Twitter.
 
Tuy nhiên, theo Sadler, các chương trình nên được cá nhân hóa hơn nữa: “Tôi nghĩ rằng rất nhiều người theo dõi việc phát triển thương hiệu cá nhân của tôi. Họ biết tôi chỉ là một anh chàng bình thường, chẳng phải là một siêu sao. Nếu toàn bộ chương trình hoàn toàn là các thông tin quảng cáo, chắc chắn sẽ chẳng có ai xem”.
Nhà quảng cáo phải nhận ra rằng họ cần khán giả theo dõi các chương trình của mình. Alina Wheeler, một nhà tư vấn tiếp thị và là tác giả của cuốn sách “vỡ lòng” về tiếp thị – “Bản đồ Thương hiệu” chia sẻ: “Ngày nay, mạng xã hội đã thay đổi hình thức tương tác giữa nhà sản xuất và người tiêu dùng. Đó là cuộc trò chuyện hai chiều giữa khách hàng và thương hiệu”.
 
Quảng cáo trên áo thun không phải là lạ. Nó ngày càng phổ biến. Từ đầu năm nay, các công ty thuộc mọi quy mô đã liên tục đặt hàng với Sadler. Mức phí quảng cáo cho mỗi ngày là 5 đô la và lên đến 1.825 đô la cho cả năm. Các công ty cũng có thể trả 5.000 đô la để có logo đặc trưng cho mỗi ngày trong vòng một tháng. Và với 25.000 đô la, họ có thể trở thành “Đối tác tiêu biểu” của IwearYourShirt và được hưởng một năm quảng cáo miễn phí.
Mức phí ban đầu của IwearYourShirt tại thời điểm ngày 1/1/2009 là 1 đô la/ngày. Nhưng năm nay, Sadler đã áp dụng mức giá cao hơn hẳn. Theo lời của Sadler thì anh đã tuyển thêm bốn nhân viên vào làm việc cho công ty. “Mỗi người trong số họ thực hiện công việc quảng cáo sản phẩm của các nhà tài trợ theo hướng tiếp cận riêng của họ, miễn sao là có hiệu quả cao. Vì vậy giá tăng lên là hợp lý”.
 
Kết quả thu về thường khá nổi bật. Chẳng hạn như Chegg, công ty này đã mua hai tài trợ hàng tháng, bốn ngày quảng cáo và xây dựng một chiến dịch truyền thông duy nhất trong vòng một tuần của năm 2010. Video của IWearYourShirt về Chegg đã thu hút hơn 370.000 lượt xem trên YouTube. Chegg cũng có thêm 4.000 người hâm mộ trên Facebook và hơn 5.000 người theo dõi các thông tin của công ty trên Twitter.
“Chúng tôi muốn làm điều gì đó sáng tạo”, Tina Couch, Phó Chủ tịch truyền thông của Chegg cho hay. “Chúng tôi biết rằng có rất nhiều người quan tâm đến IWearYourShirt, và đó là cơ hội để chúng tôi thu hút được các đối tượng khách hàng mục tiêu”.
 
Tất nhiên, quảng cáo truyền thống vẫn có một vị trí nhất định. Trước khi thành lập IWearYourShirt trong năm 2009, Sadler đã sở hữu một công ty chuyên thiết kế web. Tuy nhiên, anh vẫn tin rằng trong thế giới ngày nay, các phương tiện truyền thông đại chúng, các nhà tiếp thị cần phải giao tiếp nhiều hơn. “Khách hàng của bạn không mua hàng chỉ vì họ thấy nó trên một bảng quảng cáo. Họ mua những thứ đó bởi vì bạn bè của họ khuyên họ mua”, Sadler rút ra kết luận.

Trả lời