Tiếp sức cho doanh nghiệp bằng cách giảm phí

tiepsuc
Một ký thịt heo, thịt gà hay một quả trứng từ trại nuôi đến thị trường tiêu thụ phải đóng rất nhiều loại phí, đây là một thực tế đang chồng trên vai DN với một sức nặng không hề nhỏ, gây đình đốn sản xuất. Vì vậy việc giảm phí hoặc tính phí hợp lý trong lúc khó khăn chính là biện pháp cần thiết để tiếp sức cho DN.
tiepsuc
Bà Trịnh Thị Mùi, chủ trại heo ở Xuân Lộc, Đồng Nai cho biết, trong quy trình chăn nuôi heo công nghiệp khâu ATVSTP đã được người chăn nuôi kiểm soát nghiêm ngặt từ trại chăn nuôi đến bàn ăn, thế nhưng nhiều đoàn kiểm tra, trong đó có đoàn kiểm tra cấp xã, phường mà kỹ thuật, phương tiện kiểm tra lẫn chuyên môn không có nhiều vẫn thường xuyên đến cơ sở để kiểm tra. DN phải thường xuyên tiếp những đoàn kiểm tra như vậy vừa tốn tiền phí, vừa mất thời gian tiếp đãi, trong khi chất lượng sản phẩm cũng chả tăng thêm.
 
Theo bà Mùi, việc đóng phí trong hoạt động chăn nuôi heo là cần thiết nhưng phí đóng nhiều khoản như hiện nay thì không nên làm. Đối với hoạt động chăn nuôi heo công nghiệp, DN đã đóng thuế, thuế lại lũy tiến tăng hàng năm, trong tiền thuế này chắc chắn bao gồm cho cả tiền phí như phí môi trường, phí giết mổ… vì vậy cần giảm bớt một số phí để tiếp sức cho DN kinh doanh sản xuất.
 
Ông Văn Đức Mười- TGĐ Vissan cho rằng, Nhà nước thu phí cũng được nhưng thực chất phí này phục vụ cho cái gì mới đáng quan tâm. Trong thực tế thu phí này không thấy sâu sát và chặt chẽ với vấn đề kiểm soát chất lượng sản phẩm. Với một đơn vị sản xuất thì nguồn nguyên liệu đã được kiểm soát từ chăn nuôi đến giết mổ rồi. Bây giờ lại đi kiểm tra lại từng khâu thì quả là lãng phí.
 
Bà Nguyễn Thị Huân, Giám đốc Công ty Ba Huân cho biết, mỗi quả trứng thu mua từ các trang trại ở tỉnh về nhà máy xử lý chi phí kiểm dịch DN phải trả 4,5-5,5 đồng/qủa trứng. Ngoài ra, DN còn phải mua một tờ giấy chứng nhận kiểm dịch với mức giá 5.000 đồng/tờ cho các lô hàng bán ra trong nội thành TP.HCM và 30.000 đồng/tờ cho lô hàng xuất đi các tỉnh. Khi vận chuyển từ nhà máy đến cơ sở tiêu thụ, nếu cơ quan thú y phúc kiểm, chi phí lại phải tốn thêm 30.000-50.000 đồng/lô hàng.
 
“Phí kiểm dịch nhiều khiến giá thành bị đội lên trong khi công việc kiểm dịch chỉ đơn giản là đếm trứng tính tiền. Để kích thích sức mua, thúc đẩy chăn nuôi, thiết nghĩ cách tính phí hiện nay đối với ngành chăn nuôi gia cầm nên giảm bớt, phí nào nên bớt thì ngành nông nghiệp phải tính để DN nhờ”- bà Huân nhấn mạnh.
Theo ông Thái Văn Chung- Tổng thư ký Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM, phí vận tải ở Việt Nam hiện nay rất cao, phí cao giá hàng hóa sẽ bị đội thêm, DN kinh doanh vận tải thì không có lãi, đã thế việc kinh doanh càng khó hơn. Ông Mã Anh Bình, giám đốc Công ty vận tải Hòa Bình (quận 6) tính toán, trong giá cước vận tải, xăng dầu chiếm 45%, phí cầu đường chiếm 10-20%, còn lại là các chi phí khác cộng vào.
 
Trong kinh doanh vận tải hàng hóa, các loại phí hầu như mỗi năm phí càng phát sinh thêm, giá phí năm sau cao hơn năm trước. Để giảm phí trong hoạt động vận tải hàng hóa, ông Bình để xuất phí cầu đường nên tính luôn vào xăng dầu, các loại phí khác nên cọng dồn để thanh toán một lượt, vì cứ mỗi khi thu phí ngoài tiền phí phải đóng, nhiều khi còn phải nộp thêm tiền “ăn theo phí”, gây mất thời gian và thêm nhiều bức xúc cho người kinh doanh.
Trong hoạt động sản xuất hàng hóa, rõ ràng các loại phí đã và đang khiến DN phải “oằn mình” chịu đựng, trong đó có những loại phí đã lỗi thời, không còn phù hợp với tình hình sản xuất kinh doanh hiện nay khiến DN vô cùng bức xúc. Thu phí là cần thiết nhưng phải thu đúng đối tượng, đúng mục đích, phí thu phải làm lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh, bằng không phí sẽ “đè chết” DN.
Theo misa

Trả lời