Tìm chuyện kể để huấn luyện nhân viên

timkechuyen
Quyển sách Tales for Coaching (tạm dịch: Các câu chuyện kể để huấn luyện, do Nhà xuất bản Kogan Page ấn hành năm 2001) là món quà của tác giả Margaret Parkin dành cho các nhà quản trị kinh doanh, đề cập đến việc hướng dẫn đội ngũ nhân viên thông qua cách kể những mẩu chuyện nhỏ nhưng có tác dụng làm thay đổi suy nghĩ và cách ứng xử của họ. Xin được trích dẫn một câu chuyện rất ngắn trong tác phẩm này để độc giả tham khảo.
 
timkechuyen
Ở các gánh xiếc hoặc sở thú, khi nhìn thấy đàn voi thản nhiên đi lại ở khu vực dành riêng cho chúng, có một thắc mắc được nhiều người nêu ra là: “Tại sao mấy con voi đã già, rất to lớn mà chỉ được xích chân bởi những dây xích nhỏ như dây xích đám voi con?”. Họ nghĩ rằng voi càng lớn thì xích càng phải to và dài chứ.
 
Nếu so sánh sức mạnh của con voi trưởng thành với sức bền của sợi dây xích dùng để xích chân nó thì rõ ràng là nếu muốn voi có thể dễ dàng giật đứt dây xích mà không tốn mấy công sức. Nhưng vấn đề nằm ngay ở chỗ đó: con voi trưởng thành đã bị ám ảnh nỗi bất lực ngay từ hồi mới bị xích vì nó đã từng nhiều lần ra sức giật đứt dây xích nhưng đều thất bại. Dần dà, voi quen với việc bị cầm giữ bằng sợi dây xích đó. Sau này, dù đã to lớn hơn nhiều, nó vẫn tin rằng sợi dây xích cũ kỹ ấy luôn có sức mạnh “quản chế” không thể phá nổi.
 
Từ câu chuyện trên, Margaret Parkin rút ra bài học: “Nếu muốn thay đổi hành vi của mình, trước hết bạn hãy thay đổi cách suy nghĩ!”. Tiếp đó, tác giả gợi ý các nhà quản trị vận dụng các câu chuyện kể ngắn và dí dỏm để huấn luyện nhân viên thông qua hai hướng sau:
 
Thứ nhất, có thể dùng câu chuyện trên hoặc câu chuyện khác có cùng ý tứ để thảo luận về sự phân quyền, về niềm tin và các giá trị, đặc biệt là để giải thoát bản thân khỏi các ràng buộc trong thực tế cũng như trong trí tưởng tượng.
 
Thứ hai, có sáu câu hỏi nên đặt ra cho các nhân viên để họ nhận biết vấn đề:
1. Hãy nêu một ví dụ của chính bạn hoặc của người khác mà bạn biết về lối hành xử tương tự như những chú voi trong câu chuyện trên?
2. Cái gì đóng vai trò “dây xích” đã níu chân bạn lại?
3. Điều gì có thể đến nếu bạn giải thoát được bản thân?
4. Có khi nào bạn đã buông xuôi trong những tình huống giằng co như vậy?
5. Bạn nghĩ gì về những khả năng của mình? Bạn có cần thay đổi cách suy nghĩ đó không?
6. Bạn dự định sẽ thắp lại động lực để đi đến thành công như thế nào?
 
Trong lúc hướng dẫn nhân viên của mình, nhiều nhà quản trị đã nhận ra có nhiều sợi dây xích cứ buộc chặt nhân viên với các lối mòn trong tư duy và muốn giúp họ tự giải thoát khỏi những lối mòn đó. Câu chuyện về những con voi nói trên giúp nhân viên cảm thấy đó không chỉ là chuyện riêng của loài voi, mà những điều tương tự như vậy là rất phổ biến, rất dễ gặp trong đời thường. Họ có dịp liên hệ câu chuyện đó với chính mình và nhờ vào việc nghiêm chỉnh trả lời sáu câu hỏi đã nêu, họ sẽ tự nhận ra cách hành xử hợp lý hơn để thay đổi bản thân. Trên thực tế, hướng dẫn cho nhân viên làm thành thạo công việc chuyên môn còn dễ hơn nhiều so với việc tập cho nhân viên thay đổi được hành vi. Margaret Parkin còn nêu thêm năm định hướng trong khi tìm kiếm các câu chuyện để giúp các nhân viên thay đổi cách suy nghĩ, đó là:
 
– Xây dựng tầm nhìn và lập mục tiêu để tìm những câu chuyện mà mọi nhân viên sau đó sẽ phải trả lời được câu hỏi “Vậy anh (hoặc chị) muốn đạt được điều gì?”.
– Giải quyết vấn đề để tìm những câu chuyện giúp nhân viên tiếp cận câu hỏi “Làm thế nào anh (hoặc chị) đạt được điều ấy?”.
– Sáng tạo để tìm những câu chuyện gợi ý nhân viên “Hãy thử nhìn nhận vấn đề theo cách khác xem sao!”.
– Trao quyền để tìm những câu chuyện động viên “Anh có thể làm được việc ấy!”.
– Thành công và tự tin để tìm những câu chuyện dẫn dắt họ đến với kết luận “Đúng, mình hoàn toàn có thể làm được điều ấy!”.
 
Theo doanhnhansaigon

Trả lời