Tái chế rác thuỷ tinh- tại sao không ?

racthuytinh
Chưa ai nhận ra rằng thủy tinh là nguồn tài nguyên quan trọng, và tái chế rác thủy tinh hứa hẹn sẽ là một lĩnh vực ăn nên làm ra ở Hồng Kông trong thời gian tới.
April Lai là một phụ nữ tuổi ngoài ngũ tuần mang trên mình sứ mệnh lớn lao: tái chế rác thủy tinh cho thành phố. Vào thứ Năm và thứ Bảy hằng tuần, bà làm việc 2 tiếng rưỡi tại bãi rác công cộng của quận Wan Chai (Hồng Kông), khu vực ăn chơi nổi tiếng với nhiều nhà hàng, quán bar, để thu gom các loại chai lọ thủy tinh. Bà cũng đã thành lập một tổ chức phi chính phủ mang tên Green Glass Green.
Số thủy tinh gom được sẽ được chuyển đến Tiostone Environmental, một nhà máy nhỏ nằm ở ngoại ô Hồng Kông, chuyên sản xuất đá lát đường từ rác thải. Tiostone hiện có khả năng xử lý hơn 100.000 tấn rác thải xây dựng và 4.000 tấn rác thủy tinh thành đá lát đường mỗi năm.
 
racthuytinh
Hoạt động tái chế ở Hồng Kông đã có nhiều bước tiến với tỉ lệ tái chế giấy, nhựa và kim loại đạt hơn 50% vào năm 2010, tăng nhẹ so với tỉ lệ 40% của năm 2004. Tuy nhiên, tỉ lệ tái chế rác thủy tinh chỉ đạt 3%. Tỉ lệ này ở Bỉ, Hà Lan và Thụy Sĩ là hơn 90%. Tại Mỹ, tỉ lệ tái chế rác thủy tinh cũng hơn 30%.
Lý giải cho sự yếu kém của Hồng Kông trong công tác tái chế rác thủy tinh, một số nhà phân tích cho biết chi phí thu gom cao, trong khi nguồn nguyên liệu từ Trung Quốc đại lục lại rất rẻ khiến chi phí sản xuất ra thủy tinh mới thấp hơn tổng chi phí cho việc thu gom và tái chế.
 
Dù biết rằng quỹ đất dành để chôn rác đang dần cạn kiệt, nhưng chính quyền Hồng Kông vẫn chưa tìm được giải pháp hữu hiệu để giảm thiểu tốc độ gia tăng rác thải hằng năm. Theo số liệu thống kê của chính quyền, giai đoạn 2004-2010, tổng khối lượng rác thải của thành phố đã tăng từ 5,7 triệu tấn lên 6,93 triệu tấn, tức hơn 20%.
 
Trở lại câu chuyện của Green Glass Green, bà Lai cho rằng, quy mô hoạt động vẫn còn quá nhỏ. Để nâng cao hiệu quả, bà cho biết đang vận động chính quyền lắp đặt thêm nhiều thùng rác công cộng, tăng tần suất thu gom rác và phát động các chương trình có sự hợp tác của nhà hàng, khách sạn, quán bar ở Hồng Kông nhằm nâng cao ý thức của người dân.
 
“Mọi việc vẫn đang tiến triển theo chiều hướng tích cực nhưng có lẽ chúng tôi cần đến 1.000 bà Lai và hàng trăm nhà máy như Tiostone để nâng cao hiệu quả xử lý rác thủy tinh của thành phố”, Dixon Chan, chủ nhiệm dự án nghiên cứu ứng dụng rác thải xây dựng và thủy tinh tại Đại học Bách khoa Hồng Kông, cho biết. Qua nhận định này, rõ ràng tái chế rác thủy tinh hứa hẹn sẽ là một lĩnh vực ăn nên làm ra ở Hồng Kông trong thời gian tới.
 
Theo doanh nhân sài gòn

Trả lời