Để không phụ người và phụ chính mình hãy biết ơn!

-de-khong-phu-nguoi-va-phu-chinh-minh-hay-biet-on
Một trong những đòn bẩy quan trọng để đưa doanh nghiệp phát triển là: dùng sức lực, thời gian và trí tuệ của nhiều người. Để vận dụng được đòn bẩy này, nhà lãnh đạo doanh nghiệp phải biết khen ngợi và tôn vinh người khác, cũng như chúc mừng các thành quả của tập thể. “Dễ quá, không tốn kém nhiều tiền, chỉ là lời nói thôi mà!” – một số người vội nghĩ như vậy, nhưng tâm lý “bảo vệ cái tôi” và lòng kiên nhẫn ngày càng “mỏng dần” của con người không hề tạo thuận lợi cho hành động tôn vinh này.
-de-khong-phu-nguoi-va-phu-chinh-minh-hay-biet-on 
Trong những người mà ta muốn khen tặng, ta thích khen… bản thân mình nhất, nhưng ngược lại thích chê bai và góp ý người khác, hoặc giả có khen thì khen chiếu lệ, ban bố theo kiểu “kẻ cả, đàn anh” chứ không thật lòng ghi nhận cái hay của người khác. Bởi vì chúng ta luôn có cảm giác “ca ngợi người khác là tự hạ thấp mình”: hắn học cùng với mình, nếu hắn giỏi thì chẳng nhẻ mình dở à; hắn là nhân viên mình, nếu hắn sáng tạo thì mình kém sáng tạo sao; cô ấy là vợ mình, không cách nào nữ lại hơn nam được…
 
Cứ thế, sự tự hào về cái tôi luôn chực chờ sẵn bên trong khiến việc khen tặng người khác trở nên khó khăn, dần trở thành sự ra ơn hơn là ghi nhận thật sự thành quả và bày tỏ lòng biết ơn. Có người lại cho rằng: ngợi khen, ghi nhận đóng góp chỉ làm cho người khác ỷ lại, lên mặt, thậm chí sợ mình trở thành “kẻ xu nịnh”. Thật ra, mọi lời khen chân thành, xuất phát từ việc ghi nhận đúng cái hay, cái thú vị của người khác, đều là “liều thuốc bổ tinh thần” chứ không thể trở thành “thuốc độc liều nhẹ” cho người được khen. Vấn đề là ta thiếu kiên nhẫn tìm hiểu, quan sát để phát hiện điều đáng ngợi khen từ những người xung quanh hay từ nhân viên của mình.
 
Phải ghi nhận một điều: không phải ai đi làm cũng chỉ vì tiền, đặc biệt người nhân viên giỏi luôn cống hiến và hướng tới sự hoàn thiện vì một nguồn cảm hứng bên trong. Người lãnh đạo giỏi là người nắm rõ nguyên tắc: mức độ thực hiện công việc của nhân viên tỉ lê thuận với những ghi nhận công lao và lời khen ngợi “đầu tư” vào người đó. Từng cột mốc phát triển của doanh nghiệp đều phải được vị thuyền trưởng lên boong tàu hân hoan công bố.
Khi một thành viên mới hoàn tất việc huấn luyện, tiếng vỗ tay râm ran. Khi cả nhóm hoàn thành vượt chỉ tiêu quý, bong bóng được thả lên trời. Khi doanh nghiệp đạt mục tiêu năm, champagne nổ vang thết đãi. Nhà lãnh đạo giỏi luôn biết khích lệ đội ngũ suốt tiến trình. Họ không đợi đến tiệc chia tay nhân viên hoặc tiệc nghỉ hưu mới tặng hoa hồng, họ tuyên dương từng điểm son của người nhân viên, ghi dấu từng nấc thang thăng tiến.
 
Không tốn kém nhiều tiền bạc, không phải cắt cử chuyên gia, không phải sáng tạo ghê gớm, nhà lãnh đạo biết công nhận sự đóng góp của đội ngũ chỉ cần là người chân thành, biết chấp nhận và ghi ơn thành quả của người khác. Sự ghi nhận này được thể hiện qua lời nói, từng cử chỉ, qua giấy khen hay những món quà nặng giá trị tinh thần. Hãy luôn khích lệ: “Nào, chúng ta đang theo đúng lộ trình rồi, tiến lên!” Tinh thần nhân viên sẽ dâng cao khi họ ý thức được nỗ lực của họ đang góp sức đẩy đoàn tàu doanh nghiệp rầm rập lao về trước. Ghi nhận công lao là cách để nhà lãnh đạo bày tỏ tấm lóng biết ơn đối với những người chung sức cùng mình. Một khi bạn đã có lòng thì bạn sẽ không bị phụ!
Theo kienthuckinhte

Trả lời