Xe ôm có đồng hồ tính cước

xe-om-5
Sử dụng xe máy, gắn thêm đồng hồ tính cước ở phía trước, bảng giá phía sau biển số, cách tính gần giống taxi – dịch vụ taxi xe ôm này lần đầu xuất hiện ở Sài Gòn.
xe-om-5
“Alo, xe ôm taxi nghe. Anh đợi chút sẽ có tài xế ra rước”, “cho một xe đi Bàu Cát”, tiếng điện thoại reo liên tục từ văn phòng công ty dịch vụ xe ôm trong buổi chiều mưa. Ngay lập tức, các bác tài mặc áo đồng phục, đội nón bảo hiểm công ty lên đường đón khách.
 
Lâu nay, người dân Sài Gòn vẫn khá quen thuộc với dịch vụ taxi xe ôm, chuyên đưa đón học sinh, sinh viên, vận chuyển hàng, đón khách theo yêu cầu… Tuy nhiên, với cách làm khác lạ, gắn thêm đồng hồ tính cước phía trước, dịch vụ taxi xe ôm ngay lập tức thu hút sự chú ý.
 
“Chúng tôi hoạt động được hơn 3 tháng. Khi có đồng hồ, khách hàng không kỳ kèo, giá được theo quy định sẵn. Mỗi xe còn được gắn GPS, nếu thấy bác tài cố tính đi đường vòng, nhân viên sẽ gọi chấn chỉnh ngay”, ông Đoàn Hữu Phát, Giám đốc công ty chuyên cung cấp dịch vụ xe ôm có đồng hồ tính cước đầu tiên tại Sài Gòn nói.
 
Những chiếc xe của hãng này trông thật lạ khi được “biến tấu” bằng cách gắn biển màu trắng trên đầu xe, dùng làm đèn như bảng hiệu của taxi để mọi người nhận thấy ban đêm, phía trên tay lái phải gắn thêm đồng hồ tính cước. Đuôi xe (phía dưới biển số) là giá cước: km đầu tiên 10.000 đồng, từ 2 đến 11 km tiếp theo 6.000 đồng một km, từ km thứ 11 trở đi: 3.100 đồng mỗi cây số.
 
Theo ông Phát, việc lắp đặt đồng hồ tính cước không theo quy chuẩn nào, đồng hồ cũng chưa kiểm định, ông lùng mua các đồng hồ cơ bỏ đi của các ôtô taxi cũ, gắn thêm dây và cho chạy. Để chính xác và an toàn, hằng ngày công ty đều kiểm tra lại đồng hồ này.
 
Đồng hồ cơ được mua với giá 1,5 triệu đồng mỗi chiếc, định vị GPS 2 triệu đồng, các loại phí khác… tính ra, mỗi xe công ty này phải đầu tư 4,5 triệu đồng (chỉ riêng cho phần thiết bị). Hiện công ty đã lắp đặt hệ thống này trên 12 xe, cả tiền xe thì tổng mức đầu tư ban đầu của đơn vị này lên đến gần 400 triệu đồng.
 
“Ở đây có cả 3 nữ tài xế đó, họ chuyên chở học sinh. Lương cứng mỗi tháng trung bình của anh em là khoảng 2,5 triệu đồng, tiền xăng công ty lo, nếu chạy 4 triệu trở lên trong một tháng thì được hưởng thêm 10% số đó. Tài xế thường chúng tôi tuyển trên mạng Internet, mỗi ngày anh em chạy cũng được 150.000 đồng, đủ chi tiêu, nhưng mấy tháng đầu toàn lỗ”, ông Phát cho biết.
 
Chị Thu Thanh, một hành khách quen thuộc cho rằng, taxi xe ôm có đồng hồ cước giúp chị yên tâm hơn, chị thường kêu họ chở đi chợ, mua đồ. “Tôi thấy đây là mô hình hay, quan trọng là các bác tài cũng như công ty rất đàng hoàng nên đi xe ôm không việc gì phải lo”, chị Thanh nói.
Hiện công ty đang làm đơn kiến nghị lên Sở Giao thông Vận tải TP HCM về việc ban hành quy định xin phép hành nghề xe ôm để các bác tài có nơi đậu xe đàng hoàng.
 
Ngoài ra, công ty cũng không ngần ngại đưa đồng hồ tới cơ quan chức năng kiểm định để đảm bảo tính chính xác. Tuy nhiên, trước nay, cơ quan tiêu chuẩn đo lường chất lượng chỉ thực hiện kiểm định cho đồng hồ taxi ôtô.
Dịch vụ taxi xe ôm của công ty đang hoạt động từ khu vực công viên Lê Thị Riêng đến Khu Công nghiệp Tân Bình và các quận khác như quận 3, 10, Tân Phú. Sắp tới, công ty đang chuẩn bị đầu tư để nâng tổng số xe lên 20 chiếc.
 
Theo doanh nhân sài gòn

Trả lời