Thắp lửa cho kinh doanh

luong-van-can
Nếu doanh nhân tự soi mình vào đạo làm giàu của người thầy Lương Văn Can thì có thể thấy hết nguyên nhân thất bại của mình từ cuộc suy thoái kinh tề trầm trọng lần này. Những lỗ hổng quá lớn về kiến thức quản trị doanh nghiệp (DN), kinh doanh theo kiểu tự phát và thậm chí không coi trọng đạo đức nghề nghiệp đã dẫn đến sự sụp đổ không thể cứu vãn của hàng chục ngàn DN.
luong-van-can
Sức mạnh trí tuệ
Chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của sự suy thoái kinh tế trong năm 2012 phải kể đến những DN sản xuất vật liệu xây dựng vì đầu ra “đóng băng”. Từ một DN làm ăn hiệu quả và mạnh dạn đầu tư sản xuất, Công ty CP Thạch Bàn Miền Trung đang phải lao đao trong cơn sóng gió. Ông Nguyễn Hồng Sơn, thủ lĩnh của thương hiệu Thạch Bàn, chia sẻ: “Công ty không muốn chỉ làm nhà kinh doanh những sản phẩm do Tập đoàn sản xuất, mà phải phát triển rộng hơn nên đã đầu tư Nhà máy Gạch men Thạch Bàn tại huyện Hòa Vang. Chúng tôi nuôi khát vọng dài hạn nhưng việc đầu tư giờ đây phải bỏ dở”.
Có dịp gặp đoàn Câu lạc bộ Doanh Nhân Sài Gòn tại thành phố Đà Nẵng trong hành trình giao lưu với sinh viên các trường đại học ở nhiều địa phương trong cả nước mới thấy chuyến đi xuyên Việt của Câu lạc bộ trong thời điểm này vô cùng ý nghĩa, vì đã làm thay đổi nhận thức về cách thức làm giàu và đã thắp lên ngọn lửa nghề nghiệp cho những sinh viên có mơ ước trở thành doanh nhân thông qua việc phát động Giải thưởng Tài năng Lương Văn Can.
Ông Nguyễn Thanh Minh, Chủ tịch Câu lạc bộ, đã chia sẻ: “Hơn lúc nào hết, các bạn trẻ có ngọn lửa đam mê kinh doanh cần phải trang bị cho mình sức mạnh trí tuệ và ý thức đạo đức kinh doanh xuất phát từ nền tảng “Thương học phương châm” theo người thầy Lương Văn Can của giới doanh nhân Việt Nam. Sinh viên chính là hiện thân của thế hệ doanh nhân mới và để hoàn thành ước mơ khởi nghiệp thì phải có tri thức, am tường công nghệ và khát vọng làm giàu chính đáng cho bản thân, gia đình và xã hội”.
Là bậc “đàn anh” của Hội Doanh nhân trẻ Đà Nẵng, anh Nguyễn Thành, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Minh Toàn, đã nhiều lần góp ý và thức tỉnh những người đồng nghiệp: “Chúng ta đừng kêu ca về thất bại, nếu không thay đổi được quá khứ thì hãy thay đổi cách nhìn về quá khứ, phải làm sao cho thế hệ con em chúng ta có được hành trang để tự tin làm giàu, không hổ thẹn với bạn bè các nước”. Cũng nhờ xuất phát từ quan điểm này, DN Minh Toàn đã có định hướng đúng đắn để phát triển bền vững trong lĩnh vực logistics.
Tìm thuyền trưởng
Chưa bao giờ doanh nhân Việt Nam phải trải qua một cuộc suy thoái kinh tế trầm trọng như lần này. Nhưng cũng chính từ đây, nhiều người đã ngộ ra rằng, nghiệp kinh doanh không dễ dàng và không dành cho tất cả. Bên cạnh sự chuẩn bị cho thế hệ doanh nhân tương lai, đất nước chúng ta đang cần có sự điều chỉnh những tồn tại để phù hợp với tình hình mới. Hơn lúc nào hết, cộng đồng doanh nhân cần có sự hậu thuẫn và người dẫn đường từ Chính phủ. Tìm hiểu lịch sử thế giới, có thể thấy rõ vai trò quyết định của “người thuyền trưởng” trong việc lèo lái con thuyền kinh tế của họ vượt qua sóng to, gió lớn.
Cuộc đại khủng hoảng kinh tế năm 1929 nghiêm trọng và kéo dài trong xã hội tư bản, bao trùm tất cả các ngành của nền kinh tế thế giới. Trong vòng 4 năm (1929 -1932), cuộc đại suy thoái kinh tế này đã khiến 13 triệu người thất nghiệp, 5 ngàn ngân hàng phá sản, sản lượng công nghiệp giảm 45%…
Mọi thứ chỉ thay đổi sau khi Franklin D. Roosevelt lên làm Tổng thống Mỹ năm 1932. Dưới sự dẫn dắt của Franklin, Chính phủ Mỹ đã can thiệp để khởi động lại chương trình trợ cấp thất nghiệp cho người dân, ổn định thị trường bằng cách hạn chế sản xuất, khuyến khích phát triển chương trình an sinh xã hội, áp dụng lý thuyết kinh tế học Keynes với trọng tâm là nêu bật vai trò tăng trưởng tiền lương (để tăng tổng cầu) và vai trò của nhà nước trong việc quản lý nền kinh tế, nhờ vậy nền kinh tế mới hồi phục.
Thái Lan, quốc gia đã từng có bốn thập kỷ tăng trưởng kinh tế không gián đoạn, được cả thế giới khâm phục và biết đến như một trong những con hổ châu Á, đã chao đảo trong cuộc khủng hoảng tài chính châu Á 1997. Cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra với các chính sách mang lại hiệu quả đặc biệt trong việc giảm nghèo ở vùng nông thôn và thiết lập được một nền y tế mà mọi người đều có thể chi trả… đã giúp khắc phục được hậu quả của cuộc khủng hoảng.
Bản thân nền kinh tế có tính bất định, lúc đạt đến đỉnh cao cũng chính là lúc dễ xảy ra khủng hoảng và sau khủng hoảng lại là một thời kỳ bình minh mới. Cuộc suy thoái kinh tế lần này không phải là đợt sàng lọc đối với những doanh nhân chân chính, mà là một giai đoạn khó khăn để mọi người cùng chia sẻ và tìm được bài học cho mình. Tiếng cười và nước mắt của doanh nhân cần được chia sẻ và an ủi của toàn xã hội để họ vẫn nỗ lực vươn lên, “dám bước ra khỏi vùng an toàn” vì đam mê, vì trách nhiệm với hàng ngàn người lao động
Theo foman

Trả lời