Khởi nghiệp bằng đam mê nhiếp ảnh

1-5
Với mức thu nhập từ 10 đến 20 triệu đồng một tháng, nhiếp ảnh vừa là công việc hấp dẫn vừa thỏa mãn niềm đam mê của chàng sinh viên năm ba Học viện Ngân hàng, Tùng Lâm.
Làm chủ một studio, vừa đi học vừa đi làm mỗi tháng Lâm nhận được 15 đến 20 đơn đặt hàng. Ngoài ảnh thời trang, cá nhân, cậu nhận thực hiện những bộ ảnh cưới ở nước ngoài với giá từ 25 đến 40 triệu đồng.
Những người không chuyên tham gia nghề nhiếp ảnh như Lâm hiện khá nhiều, mỗi người chọn cho mình một cách kinh doanh riêng. Minh Hoàng, sinh viên trường đại học Kiến Trúc Đà Nẵng, chưa lựa chọn hướng đi chuyên nghiệp như Lâm hay nhiều người khác. Cậu và nhóm bạn đang có bước khởi đầu với những bộ ảnh độc, lạ với giá sinh viên.
 1-5
Khó khăn vấp phải với Lâm và Hoàng bước đầu là vấn đề tài chính. Đầu tư máy móc thiết bị hay lập hẳn một studio là dự án không nhỏ cho một việc làm thêm với sinh viên. Tùng Lâm đã đầu tư hơn 100 triệu đồng cho việc mở studio, nhờ giúp đỡ của gia đình và bạn bè.
Lâm chia sẻ: “Đã là kinh doanh hẳn hoi thì các thiết bị từ máy ảnh, phụ kiện, máy tính phải được đầu tư kỹ lưỡng để phục vụ khách hàng chuyên nghiệp chứ không còn là chụp vui như trước. Đây là khoản mất nhiều kinh phí nhất nhưng cũng là quan trọng nhất với nhóm khi thực hiện dự án này”.
Hoàng cũng đã bỏ ra hơn 30 triệu để mua máy ảnh, chưa kể những chi phí phát sinh thêm cho những khoản khác phục vụ công việc mà mỗi cá nhân tự lo như đồ trang điểm, phụ kiện chụp ảnh, váy áo, đi lại.
Kinh nghiệm làm việc với khách hàng cũng là khó khăn chung của họ. Thường xuyên tiếp xúc với đối tượng là sinh viên, học sinh, Hoàng cho biết: “Các bạn trẻ luôn có những yêu cầu khác nhau cho bộ ảnh của mình được đẹp và lạ, nên khi chụp, nhóm vừa phải theo ý kiến khách hàng vừa tư vấn cho họ những cách tạo dáng đẹp, phù hợp để không bị phô và thái quá”.
Họ cũng đã có những cách riêng để phát triển công việc yêu thích này. Tùng Lâm mở rộng nguồn khách bằng những bộ ảnh giảm giá qua các kênh mua sắm trên mạng. Kàng được giảm giá đến 60% cho một bộ ảnh mà vẫn đảm bảo chất lượng tốt nhất.
Mặc dù studio chỉ chuyên về chụp ảnh, kinh phí cũng chưa đủ để đầu tư hẳn một cửa tiệm chuyên về ảnh cưới với những trang thiết bị có giá hàng trăm triệu đồng nhưng Lâm vẫn nhận thực hiện các bộ ảnh trọn gói. Nắm bắt được nhu cầu của khách hàng, nhóm chủ động liên kết với các cửa tiệm áo cưới, các hiệu ảnh, để khách hàng có được sự phục vụ tốt nhất. Với những bộ ảnh thực hiện ở xa hay ra nước ngoài, nhóm sẽ phải tìm kiếm và liên hệ mọi vấn đề từ khách sạn, ăn uống đến nơi chụp ảnh.
Về trang thiết bị máy móc như ống kính hay phụ kiện, Lâm chọn cách thuê lại với giá thấp hơn rất nhiều ở các cửa tiệm máy ảnh. “Khi gặp trời mưa hoặc những đối tượng xấu thì việc bảo quản máy móc là quan trọng nhất. Hơn nữa đây lại là đồ thuê với giá thực cả trăm triệu nên rất thận trọng”, Lâm cho biết thêm,
Với Minh Hoàng, mạng xã hội như Facebook là nơi chia sẻ hình ảnh mà nhóm thực hiện đến với khách hàng nhanh nhất. Đang theo học chuyên ngành đồ họa, với Hoàng đây là cơ hội được đào tạo nhiếp ảnh một cách gián tiếp về photoshop, bố cục và màu sắc.
Nói về kinh nghiệm trong nghề, Hoàng chia sẻ: “Bằng niềm đam mê và yêu nhiếp ảnh rồi bản thân sẽ học hỏi được nhiều kinh nghiệm. Đừng ngại hỏi hay nghe lời góp ý có khi là chê trách, vì đó là lúc mình cần phải nhìn lại bản thân để có thể đi tiếp”.
Vất vả của công việc vì đam mê này với các “thợ sinh viên” mà theo Hoàng chia sẻ là khi người mẫu diễn xuất, tạo kiểu thì người chụp lom khom tìm góc chụp với đủ tư thế. Làm người mẫu cũng không dễ, phải biết “lăn xả”. Có lúc cả thợ và mẫu nằm giữa đường cao tốc hay chụp giữ cái nắng to là chuyện nhỏ.
Cùng ý tưởng thực hiện những bộ ảnh giá sinh viên, Mạnh Cường, sinh viên đại học Giao thông vận tải Hà Nội đã có những lúc còn phải bù lại các chi phí phát sinh cho việc đi lại, ăn uống khi làm việc. Những ngày đầu cầm máy, Cường chia sẻ, có lúc chụp ảnh kỷ yếu dưới trời mưa lạnh cả ngày cho hơn 70 người.
Cậu cho hay: “Giá cho mỗi buổi chụp chỉ 500.000 đồng mà phải di chuyển đến 3,4 địa điểm cả ngày. Công sức bỏ ra không ít nhưng lại không tính toán gì lúc ấy. Mọi người cùng làm việc vì nhiệt tình cả”.
Cũng đã có lúc người chụp và mẫu phải hy sinh cho những bộ ảnh đẹp như lội xuống nước, leo lên cây, nằm chụp ngay bên ổ kiến hay chui vào những bụi cây để tạo dáng cho những khung hình lạ. “Khi làm việc, cả mẫu và người chụp không còn là khách hàng hay là thợ ảnh nữa mà làm sao cho ra những sản phẩm tâm đắc”.
Thường xuyên có những chuyến đi xa chụp ảnh cưới. Lâm cho biết cả êkip thường mất 2 đến 3 ngày, toàn bộ lịch trình phải được lên trước đó, quy định cả giờ giấc đi lại, ăn uống và ngủ nghỉ để đảm bảo tiến độ công việc cho khách và cho bản thân. Những yêu cầu của các cặp đôi cũng làm nhóm có những tình huống chật vật.
“Có người muốn thực hiện bộ ảnh lúc bình mình thì coi như cả đêm không ngủ, hay chụp lúc hoàng hôn thì cả nhóm phải phục kích để có những bức ảnh chỉ trong tích tắc. Đó là còn chưa kể thời tiết có ủng hộ mình hay không nữa”.
Tùng Lâm cho biết, nhóm sắp tới sẽ đầu tư nhiều hơn vào những bộ ảnh cưới với những phong cách ấn tượng, mới lạ cả trong và ngoài nước. Chi phí trọn gói cho những bộ ảnh này từ 25 đến 40 triệu đồng.
Hiện nay, mỗi tháng studio nhận từ 5 đến 10 đơn đặt hàng ảnh cưới, ảnh cá nhân và 8 show ảnh thời trang. Vào những tháng cao điểm của mùa cưới, thu nhập mỗi người lên đến chục triệu. Tùng Lâm lại được dành cho việc đầu tư studio để nó trở nên chuyên nghiệp hơn và phục vụ khách hàng tốt nhất.
Sắp tới, Mạnh Cường sẽ thử sức khi thực hiện những bộ ảnh cưới với giá chỉ 700.000 đồng, Cường cho biết: “Bộ ảnh với ý tưởng là một câu chuyện tình yêu theo thời gian bằng những bức ảnh, nhóm xác định chưa hướng đến lợi nhuận kinh tế mà làm vì đam mê và muốn có một bộ ảnh khởi đầu để khẳng định khả năng của mình với nhiều người hơn nữa”.
Theo foman

Trả lời