Lời khuyên dinh dưỡng cho bé

8-loi-khuyen-dinh-duong-tot-cho-be
Để con phát triển toàn diện và luôn luôn khỏe mạnh, những bà mẹ đảm dang không thể bỏ qua 8 lời khuyên dinh dưỡng quý giá sau đây.
1. Sữa mẹ
Lời khuyên dinh dưỡng quý giá đầu tiên chúng tôi muốn gửi đến các bà mẹ là hãy cho con bú mẹ. Bởi sữa mẹ là thức ăn tốt nhất, đầy đủ dinh dưỡng nhất và dễ hấp thụ nhất. Đó là những lý do vì sao Tổ chức Y tế thế giới WHO khuyên các mẹ nên cho con bú ngay sau khi sinh và bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu.
Các bác sĩ dinh dưỡng cũng khuyên các mẹ không nên cai sữa cho con trước khi bé tròn 12 tháng tuổi, và nếu có điều kiện, hãy cho bé bú mẹ kéo dài tới 18 – 24 tháng.
2. Đa dạng thực đơn
Tất cả các bà mẹ thông thái đều biết một điều rằng mỗi loại thực phẩm chỉ có một chức năng và cung cấp một số vitamin nhất định, trong khi đó để đáp ứng nhu cầu phát triển trí não và cơ thể thì bé lại cần nhiều chất dinh dưỡng khác nhau. Vì vậy, mẹ cần phối hợp nhiều loại thực phẩm và thường xuyên đổi món để giúp bé ngon miệng.
Nếu mẹ chỉ tập trung cho con ăn một số loại thực phẩm sẽ dẫn đến trạng thái thừa chất này, thiếu chất khác… gây ra những ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển của bé.
3. Sữa và các sản phẩm từ sữa
Bất cứ một bà mẹ nào cũng hiểu tầm quan trọng của sữa và các sản phẩm từ sữa đối với sự phát triển của trẻ. Tuy nhiên, việc uống sữa “bừa bãi”, không điều độ sẽ gây ra những tác hại đối với sự phát triển của trẻ mà các mẹ không thể lường trước được.
Bác sĩ dinh dưỡng cho biết, trẻ từ 1-3 tuổi nên uống khoảng 500ml sữa bò (đã pha theo công thức); trẻ trên 3 tuổi nên uống khoảng 300 – 400ml là đủ. Tuy sữa là thức ăn rất tốt cho trẻ, nhưng việc chỉ tập trung cho trẻ uống sữa không là chưa đủ. Cần cho trẻ ăn đa dạng các thực phẩm tự nhiên thông qua việc chế biến bột, cháo, cơm của trẻ, như vậy mới có thể cung cấp đầy đủ các thành phần dinh dưỡng, đáp ứng nhu cầu phát triển của trẻ.
Các thành phần dinh dưỡng (các vitamin, muối khoáng) được bổ sung trong sữa cũng chỉ đáp ứng được một phần nhu cầu hàng ngày của trẻ, chất xơ trong sữa rất ít nên nếu chỉ uống sữa các cháu sẽ bị táo bón.
4. Chất đạm và chất béo
Có một điều mẹ thông thái nên biết rằng đạm là nguồn cung cấp axit amin và các chất dẫn truyền thần kinh. Vì vậy nếu muốn con thông minh, mẹ không thể bỏ sót việc bổ sung chất này vào thực đơn của con. Chất đạm có nhiều trong thịt, cá, trứng, sữa, đậu nành và các loại đậu khác.
Khoảng 60% não của bé được cấu thành từ chất béo. Chất béo giúp ngăn cách các dây thần kinh, cải thiện khả năng học tập cũng như phát triển chức năng của mắt. Không những thế, chất béo còn cung cấp năng lượng và giúp cơ thể hấp thu vitamin. Trong ngày, các mẹ nên sử dụng phối hợp cả chất béo động vật (mỡ, bơ) và chất béo thực vật (dầu thực vật) cho bé.
Ngoài ra, mẹ cũng nên cân đối và bổ sung cho bé những chất khác như kẽm, iot, sắt… có trong nhiều loại thực phẩm
5. Lưu ý với muối
8-loi-khuyen-dinh-duong-tot-cho-be
Bác sĩ dinh dưỡng cho biết, bé từ 1 – 6 tuổi mỗi ngày chỉ cần một lượng muối không quá 2g. Nếu mẹ cho con ăn mặn trong một thời gian dài thì không chỉ ảnh hưởng đến khẩu vị của bé sau này mà còn kéo theo rất nhiều vấn đề bệnh tật khác như huyết áp cao, thận, tim và ảnh hưởng đến sự phát triển của xương.
6. Thận trọng với đồ uống có ga
Một lời khuyên dinh dưỡng vô cùng quý giá với các mẹ đó là hãy hạn chế cho bé sử dụng đồ uống có ga. Việc lạm dụng đồ uống có ga tiềm ẩn nhiều nguy cơ với sức khoẻ của trẻ. Điều nguy hiểm nhất khi cho trẻ uống quá nhiều nước ngọt có gas, đó là sẽ làm tăng đào thải canxi qua nước tiểu. Do đó, những trẻ này rất dễ bị thiếu canxi, làm cơ thể không phát triển nhiều về chiều cao, trong khi đó, bề ngang lại phát tướng vì nước ngọt này có hàm lượng đường rất cao, dễ gây béo phì.
7. Rau, củ, quả
Các vitamin nhóm B (B1, B5, B6) có nhiều trong ngũ cốc nguyên hạt và các loại rau, vitamin B9 (axit folic) có nhiều trong rau lá xanh đậm, các loại hạt, súp lơ, cam bưởi, lòng đỏ trứng… đều là những dưỡng chất cần thiết cho các hoạt động của cơ thể, nhất là não bộ của bé.
Ăn nhiều rau củ và quả chín hằng ngày sẽ giúp bổ sung thêm nhiều vitamin, chất khoáng cần thiết cho cơ thể, đồng thời giải độc và giảm cholesterol thừa ra khỏi đường tiêu hoá.
8. An toàn thực phẩm
Đây là lời khuyên dinh dưỡng cuối cùng nhưng cũng vô cùng quan trọng vì nếu bạn thực hiện được tất cả những điều trên nhưng lại bỏ qua yếu tố an toàn trong lựa chọn và chế biến thực phẩm cho bé thì coi như mọi cố gắng đều vô nghĩa.
Mẹ cần đảm bảo lựa chọn và sử dụng thức ăn, đồ uống đảm bảo vệ sinh an toàn để đảm bảo thực phẩm không là nguồn gây bệnh cho bé. Lựa chọn thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao không chứa các chất bảo quản, hoá chất bảo vệ thực vật, không mang các mầm bệnh đường tiêu hoá.
(Theo Trithuctre)

Trả lời