Cách xin lỗi sao cho đúng

cach-xin-loi
Hành động xin lỗi là một cách chuyển giao quyền lực từ người làm lỗi sang cho nạn nhân.
Có rất nhiều thứ diễn ra ở văn phòng khiến bạn cần nói câu xin lỗi. bạn xin lỗi khi lỡ cuộc họp, khi trả lời mail trễ, hay khi sơ ý làm sai điều gì…
 Việc xin lỗi xảy ra thường xuyên đến nỗi chúng ta cứ nghĩ đó là một phần của cuộc sống văn phòng và xem nó như một câu cửa miệng. Tại sao bạn không thử thay đổi điều đó bằng một thử nghiệm nho nhỏ?
Janet Paskin, Trợ lý Giám đốc Điều hành của Bloomberg Businessweek, đã thử không nói lời xin lỗi trong 2 tuần liền, kể cả khi nói hay viết email. Thậm chí ngay cả khi cô ấy nghĩ rằng mình sai. “Chỉ sau vài ngày, tôi cảm thấy rất tuyệt”, Janet nói.
cach-xin-loi
Một nghiên cứu năm 2012 của nhóm học giả người Úc đã chỉ ra rằng không xin lỗi mang lại nhiều lợi ích về tâm lý. Cảm giác tuyệt của Janet là một trong số đó.
Dưới góc độ học thuật, hành động xin lỗi là một cách chuyển giao quyền lực từ người làm lỗi sang cho nạn nhân. Bằng cách từ chối xin lỗi, các nhà nghiên cứu cho rằng người phạm lỗi đã giữ được quyền lực và sự kiểm soát.
 
Không xin lỗi có nghĩa bạn không phải thừa nhận mình đã làm sai và vì thế không phải đi sửa sai. Nó cũng tương tự tình huống bà mẹ dạy đứa con 8 tuổi: “Nếu con thực sự xin lỗi vì đã ném cái mũ đi, con đã không lặp lại cái lỗi đó lần thứ 3 như thế”.
Nhìn ở góc độ này, như nghiên cứu trên đã chỉ ra, việc từ chối xin lỗi còn mang lại cảm giác lòng tự trọng cao hơn so với khi bạn nói câu xin lỗi. Đó là lý do khiến cho một số người không muốn mở miệng xin lỗi.
Nhưng dưới góc độ doanh nghiệp, xin lỗi giúp họ… đỡ tốn rất nhiều tiền. Cách đây gần 2 thập kỷ, tạp chí y học The Lancet đã xuất bản một nghiên cứu chỉ ra rằng trong số những bệnh nhân kiện phòng khám, có 16% bảo rằng chỉ cần bên kia nói xin lỗi là đủ.
Năm 2002, Đại học Trung tâm Y học Michigan đã áp dụng chính sách sẵn sàng tiết lộ mọi sai phạm trong chẩn đoán, khám chữa bệnh, trong đó có áp dụng cả chiêu xin lỗi. Kể từ đó, tỉ lệ kiện tụng đã giảm tới 65%.
 
Các CEO nhận trách nhiệm về kết quả yếu kém đã làm cho cổ phiếu công ty họ tăng từ 14-19% trong năm tiếp theo
Trong một nghiên cứu vào năm 2004 về các Tổng Giám đốc (CEO) và diễn biến giá cổ phiếu, các nhà nghiên cứu của Đại học Michigan và Stanford khám phá ra rằng các CEO nhận trách nhiệm về kết quả yếu kém đã làm cho cổ phiếu công ty họ tăng từ 14-19% trong năm tiếp theo.
Hãy trở lại với trường hợp của Janet. Sau 2 tuần thực hiện chính sách “không xin lỗi”, Janet cho biết cô nhận thấy càng nói xin lỗi nhiều bao nhiêu thì lời xin lỗi càng ít có ý nghĩa, thậm chí quá sáo rỗng.
Theo cô, đối với những lỗi nhỏ, nhiều khi việc mở miệng xin lỗi không những không nhận được sự cảm kích từ phía người kia mà còn khiến họ cảm thấy phiền lòng. Có thể phía kia bực bội và nghĩ: “Có vậy cũng xin lỗi”.
 
Đó là sự thật. Nhiều khi chẳng ai để ý là bạn đã viết mail trả lời trễ 1-2 tiếng hay bạn đã bỏ lỡ một buổi họp. Nếu bạn là người cần có mặt thì chắc chắn họ sẽ cho bạn biết.
Theo Janet, trong suốt 2 tuần thử nghiệm, chỉ có một người duy nhất yêu cầu cô xin lỗi. Nhưng thú vị ở chỗ, đó là cho chuyện cô không nghĩ mình đã làm sai.
Rõ ràng có lỗi hay không cũng khác ở cảm nhận của mỗi người. Không nên đưa ra những lời xin lỗi vô nghĩa. Nhưng chắc chắn phải xin lỗi khi bạn cho đó là điều cần làm.
Doanh nhân cuối tuần

Trả lời