MacBook Air 2013 và Surface Pro 2: “Đại chiến” laptop di động

alt
Cả MacBook Air 2013 và Surface Pro 2 đều có điểm mạnh, yếu riêng nhưng xét về tổng thể thì MacBook Air vẫn là sản phẩm đáng tiền hơn.

 Kể từ khi ra mắt vào năm ngoái, dòng tablet lai Surface của Microsoft mang theo tham vọng của công ty phần mềm nhằm thay thế laptop. Chiếc Surface Pro 2 mà Microsoft mới giới thiệu hồi tháng Chín vừa qua với những nâng cấp hấp dẫn hứa hẹn sẽ tiếp tục giúp Microsoft thực hiện tham vọng đó.

Với giá bán 899 USD, có thể nói một đối thủ mà Microsoft rất muốn đánh bại chính là chiếc MacBook Air 11 inch phiên bản 2013 của Apple, được bán đắt hơn 100 USD. Tuy nhiên liệu Surface Pro 2 có thể làm được điều đó hay không, chúng ta hãy thử cùng so sánh 2 sản phẩm này.

Thiết kế

Thiết kế của MacBook Air và Surface Pro 2 có thể nói là hoàn toàn khác biệt nhau. MacBook Air vẫn giữ kiểu thiết kế vỏ sò truyền thống, với khung nhôm nguyên khối siêu mỏng. Trong khi đó Surface Pro 2 (sau đây sẽ gọi là Surface để độc giả tiện theo dõi hơn) đi theo kiểu thiết kế “lai” với trọng tâm vẫn là trải nghiệm tablet nhưng cung cấp thêm bàn phím ngoài để sử dụng như 1 chiếc laptop thông thường. MacBook Air cũng được trang bị bàn phím chicklet (phím hình vuông nhỏ với các góc bo tròn) đã trở thành 1 thương hiệu của Apple.

 
alt
 
alt
 
Với Surface, mặc dù bạn có thể dùng máy như 1 chiếc laptop, nhưng về bản chất đây vẫn được xem là tablet. Máy dùng chất liệu hợp kim magie màu đen cùng chân chống ở mặt sau có thể duỗi ra để dựng máy lên và dùng ở chế độ laptop. Surface được trang bị màn hình cảm ứng, còn MacBook Air thì không. Đổi lại, với MacBook Air thì bạn không phải bỏ thêm tiền mua bàn phím ngoài như Surface.

Với trọng lượng 1,27 kg, MacBook Air 2013 nặng hơn so với Surface (907 gram). Ngay cả khi gắn thêm cả bàn phím Type Cover, Surface cũng nhẹ hơn với chỉ 1,08 kg.

Màn hình

 
alt
 
Màn hình của MacBook Air rõ ràng lớn hơn với 11,6 inch, so với Surface chỉ có 10,6 inch. Tuy nhiên độ phân giải của màn hình MacBook Air thấp hơn, chỉ 1366 x 768 pixel. Surface có độ phân giải màn hình full HD giúp hiển thị sắc nét hơn.

Màn hình Surface cũng hỗ trợ cảm ứng 10 điểm chạm và cho khả năng phản hồi nhanh, cũng như hỗ trợ nhiều thao tác điều khiển tiện lợi như zoom nhúm ngón tay, vuốt từ cạnh. Góc nhìn màn hình cũng khá tốt.

Với độ phân giải thấp thì có thể nói màn hình MacBook Air trông đã lạc hậu, mặc dù vẫn cho độ chi tiết cao. Độ sáng màn hình của MacBook Air 2013 cũng chỉ đạt 219 lux, kém xe Surface với 389 lux.

Âm thanh

Loa của MacBook Air được thiết kế ở mặt dưới cho âm lượng đủ to để nghe rõ trong phòng nhỏ. Trái lại, loa của Surface âm lượng bé hơn. Ngoài ra loa của Surface cũng cho bass kém và chỉ có 1 ưu điểm là cho nhiều treble.

Bàn phím

 
alt
 
Trải nghiệm bàn phím cảm ứng trên Surface có thể nói là khá tệ. Tuy nhiên, người dùng có thể mua thêm bàn phím ngoài đi kèm, với giá 119 USD cho Touch Cover 2, hoặc 129 USD cho Type Cover 2 (model này tương tự như bàn phím vật lý nên tạo ra phản hồi, cho cảm giác gõ phím tốt hơn). Bàn phím Touch Cover 2 sử dụng các cảm biến để nhận diện tác động của ngón tay và thử nghiệm cho thấy nó không tốt bằng Type Cover.
 
alt
 
Bàn phím của MacBook Air từ trước tới nay vốn được đánh giá cao, cả về trải nghiệm lẫn thiết kế. Ngoài ra với HĐH OS X thì người dùng có thể sử dụng bàn phím để tận dụng các phím tắt cho việc thiết lập nhanh độ sáng màn hình, tắt nhạc…MacBook Air cũng lợi thế hơn Surface với touchpad lớn cho phép điều hướng bằng các động tác tay thuận tiện.

Hiệu năng

 
alt
 
MacBook Air được trang bị chip Intel Core i5-4250 1,3 GHz còn Surface dùng chip Intel Core i5-4200U 1,6 GHz.

Air mất 13 giây để khởi động, nhanh hơn Surface nhưng không đáng kể, chỉ khoảng 1 giây. Thử đo bằng phép benchmark Geekbench, với số điểm 6809, laptop của Apple cũng đánh bại Surface, vốn chỉ đạt 5100 điểm. Ở phép thử đồ họa Cinebench OpenGL, 2 máy cho hiệu năng ngang ngửa nhau. MacBook Air đạt số khung hình 22 fps, còn Surface đạt 20 fps.

Ổ đĩa lưu trữ trên Air cũng cho hiệu năng cao hơn, khi copy thư mục 4,97 GB với tốc độ 221 MB/giây, trong khi Surface chỉ cho tốc độ 154 MB/giây.

 
alt
 
Thử nghiệm game với “World of Warcraft” ở độ phân giải 1366 x 768, đồ họa thiết lập ở mức Autodetect, Surface Pro 2 cho tốc độ khung hình 46 fps. MacBook Air cho số khung hình cao hơn một chút: 48 fps. Nâng hiệu ứng lên Ultra, tốc độ khung hình của MacBook Air và Surface giảm xuống lần lượt còn 24 23 fps.

HĐH, Ứng dụng

Cả Windows 8.1 và OS X Mavericks đều là những phiên bản HĐH mới nhất của 2 hãng và đều mang lại những cải tiến cho cả Surface và MacBook Air. Surface được cài sẵn các phần mềm tiện ích như Skype, Internet Explorer, SkyDrive, Bing Health and Fitness và Bing Food and Drink…Windows Store cũng có sự xuất hiện của ứng dụng Facebook, tuy nhiên các ứng dụng hay khác như YouTube và Instagram vẫn vắng mặt.

 
alt
 
Với MacBook Air, bạn có thể biên tập video bằng iMovie, biên tập nhạc với GarageBand. Bạn cũng được cung cấp các tiện ích iPhoto, iBooks và Safari. Khi mua máy bạn cũng được miễn phí cả công cụ iWork.

Trên Mac App Store, bạn có thể download các ứng dụng hay như Logic Pro X, Aperture 3, cũng như các game “Civilization V” và “RollerCoaster Tycoon 3.”. 2 game này cũng có thể chơi trên Surface nhưng bạn sẽ phải tải về từ website của nhà phát hành chứ không thể tải về từ Windows Store.

 
alt
 
Có thể thấy với khả năng chạy phiên bản Windows 8.1 đầy đủ, Surface vẫn tỏ ra thắng thế hơn so với OS X nhờ khả năng chạy được thêm cả các ứng dụng Windows truyền thống.

Khả năng đa nhiệm

 
alt
 
Cả 2 HĐH đều cho phép 2 máy có khả năng đa nhiệm tốt. OS X có Mission Control giúp việc chuyển đổi giữa các ứng dụng đang mở rất tiện lợi. Tuy nhiên, Apple không có được tính năng tương tự như Snap View – tính năng cho phép dùng nhiều ứng dụng cùng lúc. Chiến thắng ở vòng này rõ ràng đã thuộc về Surface nhờ khả năng đa nhiệm tuyệt vời của HĐH.

Ứng dụng tiện ích cho công việc

Không như Surface 2 chạy Windows RT, Surface Pro 2 không được cài sẵn Office. Bạn phải bỏ tiền mua các phiên bản Office, như bản Office Home & Business có giá tới 219 USD.

 
alt
 
Surface có thể sử dụng những ứng dụng tiện ích và miễn phí cho công việc như OneNote. Đây là ứng dụng cho phép ghi chú bằng video, hình ảnh, âm thanh, có khả năng nhận diện nét vẽ bằng tay hay bút stylus. Adobe Photoshop Express cũng là một tiện ích miễn phí khác.
 
alt
 
Apple có Pages, Numbers và Keynote với giá bán 19 USD cho mỗi công cụ, tuy nhiên, người mua máy mới sẽ được download miễn phí, một chính sách giảm giá tuyệt vời mà người dùng Mac không nên bỏ qua.

Thời lượng pin

 
alt
 
Cả MacBook Air và Surface đều cho thời lượng pin hơn 8 tiếng với bài test lướt web WiFi. Đây là thời lượng pin lý tưởng, phù hợp với những ai có nhu cầu sử dụng máy cho công việc khi đi xa. Xét cụ thể hơn thì với thời lượng 8 tiếng 53 phút, pin của MacBook Air tốt hơn Surface với chỉ 8 tiếng 2 phút.

Cấu hình

MacBook Air có giá khởi điểm 999 USD và được trang bị chip 2 nhân Intel Core i5 1,3 GHz, 4GB RAM và SSD 128GB. Phiên bản 1199 USD giúp tăng dung lượng SSD lên 256GB.

Surface Pro 2 có giá khởi điểm rẻ hơn, 899 USD. Mức giá này giúp bạn sở hữu cấu hình chip Core i5 1,6 GHz, 4 GB RAM và SSD 64GB. Bản 999 USD giúp tăng dung lượng SSD lên 128GB SSD và bản 1299 USD tăng SSD lên 256GB cùng 8GB RAM. Cấu hình cao nhất của Surface là SSD 512GB, 8GB RAM được bán với giá 1799 USD. Ngoài ra bạn sẽ phải bỏ thêm ít nhất 119 USD để mua bàn phím Touch Cover hoặc 129 USD cho bàn phím Type Cover.

Tạm kết

MacBook Air cho bạn bàn phím tốt hơn, thời lượng pin tốt hơn, âm thanh tốt hơn, và nếu so sánh với Surface sau khi bạn phải bỏ tiền mua bàn phím Type hoặc Touch Cover, thì chi phí để sở hữu MacBook Air rẻ hơn. Surface nổi bật hơn Air ở màn hình sắc nét, hỗ trợ bút cảm ứng, khả năng đa nhiệm nhờ HĐH Windows 8.1. Cả 2 đều là những sản phẩm tốt nhưng xét về tổng thể, MacBook Air vẫn là sản phẩm tốt hơn.

 
Theo GenK.vn_Tham khảo: Laptopmag

Trả lời