Những câu chuyện thương hiệu

22

Hiện nay, khi người tiêu dùng ngày càng thông minh, khó tính và có nhiều kênh lựa chọn thì chuyện làm thương hiệu là nhiệm vụ tất yếu của các doanh nghiệp. Hàng triệu đô la được đổ ra với mục đích sao cho khách hàng sẽ nhớ đến biểu tượng của hãng mình, sản phẩm mình trong cả rừng nhãn hiệu mà cái nào cũng được đánh bóng tới từng milimet.

22

Từng có giai đoạn sữa Ba Vì sử dụng logo có nhận diện giống logo của Maritime Bank

Chính trong thời buổi nhà nhà làm thương hiệu, người người làm thương hiệu ấy, chuyện vi phạm bản quyền cũng theo đó mà phát sinh.

Theo uỷ ban Thương mại quốc tế Mỹ, nạn ăn cắp và giả mạo thương hiệu làm các doanh nghiệp Mỹ tốn 48 tỉ USD vào năm 2009. Ngay cả những hãng có tên tuổi như Apple với biểu tượng quả táo khuyết góc dường như hoành hành trên toàn thế giới nhưng cũng không ít lần phải ra hầu tòa bởi đơn kiện của HTC, Nokia, Motorola. Thậm chí, trên đất Trung Quốc, Apple còn bị kiện và có khả năng thua trắng một công ty nhỏ, không tên tuổi.

Ở Việt Nam, năm 2010 đã từng có một sự kiện khá ầm ĩ, gây chú ý trong giới truyền thông đó là vụ Austdoor kiện Smartdoor sau khi công ty chuyên cung cấp các sản phẩm cửa cuốn, cửa nhựa này tung ra cuốn catalogue có nhiều dấu hiệu “vô tình trùng ý tưởng”. Kết quả, Smartdoor đã phải bồi thường 100 triệu đồng cho sự “vô tình hữu ý” này.

Mới đây, khách hàng lại được một phen bàn tán khi bỗng nhiên phát hiện logo của một sản phẩm sữa tươi Ba Vì giống hệt logo của một ngân hàng khá nổi tiếng (Maritime Bank), chỉ khác về màu sắc. Giả thuyết được cho là thỏa đáng nhất là có lẽ ngân hàng này đang đa dạng hóa sản phẩm bằng cách kiêm thêm vai trò nhà cung ứng… sữa bò. Tuy nhiên, chỉ hơn 3 tháng sau khi tung ra sản phẩm với logo gây thắc mắc này thì hãng sữa Ba Vì đã rục rịch thu hồi lại mẫu mã mới. Có vẻ như hai ông chủ đã ngồi lại với nhau và âm thầm làm việc trên tinh thần thiện chí “nước sông không phạm nước giếng”, và sự độc quyền hình ảnh số 1 đỏ tươi được trả lại cho Ngân hàng Hàng Hải.

Nhưng không phải lúc nào câu chuyện cũng kết thúc có hậu như vậy, bởi vì chính ngân hàng này cũng gặp phải “sự cố” khi tin tức về việc hàng loạt lãnh đạo Vinalines (Tổng Công ty Hàng Hải Việt Nam) bị bắt tràn ngập trên mặt báo.

Người trong nghề (nghề ngân hàng và nghề truyền thông) đều hiểu rằng trước kia Ngân hàng Hàng Hải được thành lập bởi Liên hiệp Hàng Hải Việt Nam (Cục Hàng Hải ngày nay) nhưng hiện tại thì Vinalines chỉ là cổ đông nhỏ, chiếm hơn 1% cổ phần của Maritime Bank, và gần nửa thập kỷ nay không giữ bất cứ vai trò gì trong việc quản trị và điều hành ngân hàng này nữa. Đó chính là lý do Martime Bank đổi bộ nhận diện thương hiệu, đầu tư không ít tiền để quảng bá logo mới từ đầu năm 2010 nhằm thoát khỏi cái bóng màu xanh nước biển truyền thống.

Tuy nhiên, rất có thể chỉ vì cái sự trùng lặp về tên kia: Tổng công ty Hàng Hải Việt Nam – Ngân hàng Hàng Hải Việt Nam, lại làm khó cho khách hàng, khiến vài vị khách hàng cảm thấy do dự khi gửi gắm hầu bao cho ngân hàng này giữ hộ. Âu cũng là hệ lụy do cái tên – thương hiệu mà ra.

Vài câu chuyện dông dài như thế chỉ để cảm thán rằng trong thời buổi thông tin nhiều tới mức nhiễu loạn này thì hành trình khẳng định thương hiệu của các doanh nghiệp thật quá gian nan, vất vả. Để người ta biết đến thương hiệu của mình chưa đủ, còn cần người ta hiểu để mà tin mới thành công. Mà muốn hiểu và tin thì có lẽ chất lượng thực tế mới là điều cốt lõi.

Theo doanhnhan.net

Trả lời