10 lý do để nhượng quyền thương mại

29

Bạn đang có một nhà hàng cơm tấm luôn đông khách, một quán cà phê được mọi người yêu thích, một nhà hàng hải sản có lợi nhuận… có nghĩa là bạn đang sở hữu một mô hình kinh doanh thành công và đang tự hỏi cách nào để mở rộng kinh doanh tốt nhất. Nếu bạn đang xem xét nhượng quyền thương mại như là một trong những chiến lược của mình, thì sau đây là 10 lý do tuyệt vời để bạn thuyết phục chính mình.

29

1/ Thực hiện mở rộng nhanh chóng trên toàn quốc

Nhượng quyền thương mại sẽ giúp nhân rộng mô hình kinh doanh hiện hữu một cách nhanh chóng và không phải tốn nhiều tiền đầu tư. Chi phí mở thêm cửa hàng mới sẽ là một chi phí rất lớn cho công ty nếu bạn muốn có được một số lượng cửa hàng nhiều, và dòng tiền mặt cần thiết cho việc đầu tư này rất quan trọng cho sự tồn tại của công ty. Đối tác nhận nhượng quyền sẽ là người sát cánh với bạn để chia sẻ chi phí đầu tư và lợi nhuận.

2/ Có được các cộng sự với tinh thần doanh nhân cao

Khi bắt đầu tuyển dụng người nhận nhượng quyền, bạn sẽ trải qua một thời gian và quy trình chọn lọc rất khắt khe để tìm được một đối tác có cùng đam mê, đủ nguồn lực thời gian và tài chính để đứng chung dưới ngọn cờ thương hiệu của bạn. Khi một cửa hàng nhượng quyền mới được khai trương, bạn có được một cửa hàng với người chủ nghiêm túc và tận tâm. Họ vận hành cửa hàng tốt hơn nhiều một cửa hàng trưởng làm công ăn lương.

3/ Làm giảm khả năng của đối thủ cạnh tranh

Người tiêu dùng thường tò mò và bị hấp dẫn bởi những cái mới. Tuy nhiên, nếu bạn giới thiệu một sản phẩm hay dịch vụ tốt hơn, họ sẽ sử dụng và trung thành với thương hiệu của bạn. Nhượng quyền thương mại là một cách hợp lý mở rộng bạn lưới, nhanh chóng lôi kéo khách hàng của đối thủ cạnh tranh và nếu bạn vẫn là người tốt hơn, bạn sẽ có nhiều khách hàng trung thành.

4/ Duy trì ấn tượng thương hiệu

Với phương thức nhượng quyền thương mại, người nhận nhượng quyền phải vận hành đúng theo cách thức của toàn hệ thống. Điều này tạo điệu kiện cho người tiêu dùng ở nhiều nơi cùng hưởng được một tiêu chuẩn chất lượng của sản phẩm và dịch vụ, họ luôn luôn biết rõ những gì họ có thể nhận từ thương hiệu của bạn.

5/ Thu thập được kinh nghiệm địa phương qua tối tác nhượng quyền

Nếu bạn tự mở rộng hệ thống đến những địa điểm khác, thông thường cần rất nhiều thời gian nghiên cứu. Mở rộng kinh doanh bằng hình thức nhượng quyền thương mại, người nhận nhượng quyền ở địa phương sẽ giúp bạn việc này.

6/ Nâng cao hiệu quả mua hàng

Khi mạng lưới cửa hàng hay đơn vị kinh doanh mở rộng, việc tập trung hoạt động mua hàng tại một trung tâm sẽ giúp bạn nâng cao năng lực đàm phán, có cơ hội tiết kiệm chi phí, giảm giá thành sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh.

7/ Có được một hệ thống phân phối tận tâm

Nếu bạn là một nhà sản xuất hay cung cấp một dịch vụ, mở rộng hệ thống phân phối bán hàng thông qua phương thức nhượng quyền thương mại, bạn sẽ có một hệ thống phân phối chỉ chuyên tâm vào sản phẩm và dịch vụ của bạn.

8/ Chia sẻ áp lực quản trị

Một hệ thống cửa hàng trực thuộc công ty sẽ yêu cầu một áp lực về công việc quản lý, tuyển dụng và đào tạo rất lớn. Nếu bạn chọn phương thức nhượng quyền thương mại, đối tác nhượng quyền sẽ chia sẻ áp lực này với bạn cũng như nâng cao hiệu quả của quản lý.

9/ Nâng cao sức mạnh quảng cáo

Một khi mạng lưới kinh doanh của bạn rộng lớn, bạn sẽ có lợi nhiều khi thực hiện tiếp thị theo nhóm cho toàn quốc hay một vùng kinh doanh cụ thể. Trong một mạng lưới kinh doanh thành công, các bên nhận nhượng quyền sẽ thường xuyên liên lạc và giúp đỡ nhau trong kinh doanh.

10/ Nâng cao lợi nhuận

Khi chọn nhượng quyền thương mại là phương thức mở rộng kinh doanh, bạn có thể thấy rằng tỷ suất lợi nhuận trên vốn đầu tư sẽ tăng lên mặc dù doanh số nhận được từ cửa hàng nhượng quyền thấp hơn cửa hàng của chính công ty. Nếu quản lý tốt bạn sẽ thấy hiệu quả tài chính rất cao.

Bạn có thể thấy nhượng quyền thương mại là một phương thức hiệu quả và nhanh chóng. Tuy nhiên cần ghi nhớ rằng, nhượng quyền không phải luôn luôn là một chiến lược dễ dàng. Nếu dự định nhượng quyền mô hình kinh doanh của mình, bạn cần đầu tư thêm thời gian và chi phí để xây dựng một mô hình kinh doanh mang tính hệ thống, thiết lập các quy trình hướng dẫn và hỗ trợ, chuẩn bị các văn bản pháp lý. Khi có tất cả các yếu tố trên, cơ hội thành công của bạn là rất lớn.

Theo doanhnhannet

Trả lời