6 mẹo tăng cường an ninh cho điện thoại Android

cn40

Bạn dùng smartphone chạy Android và đang đau đầu trước nguy cơ bị malware tấn công? 6 thủ thuật trong bài sẽ giúp chiếc smartphone của bạn an toàn hơn, đảm bảo thông tin cá nhân không bị rò rỉ.

cn40

Kho phần mềm trực tuyến Android Market dành cho thiết bị di động của Google mới bị phần mềm độc hại (malware) tấn công, vào tuần trước. Ứng dụng phổ biến có tên gọi “DroidDream” bị phát hiện nhiễm mã độc có thể ăn cắp thông tin cá nhân của người sử dụng. Hàng nghìn smartphone “dính” DroidDream đã buộc Google phải thay đổi quan điểm, và bắt đầu sử dụng biện pháp loại bỏ các ứng dụng có vấn đề – từ trước tới giờ Google vẫn coi các ứng dụng được tải lên thuộc về trách nhiệm của các nhà phát triển và các hãng sản xuất điện thoại.

Hiện tại, nền tảng Android của Google đã quá phổ biến, chiếm 31% thị phần và đã trở thành HĐH smartphone phổ biến nhất tại Mỹ, theo ComScore.

Android cũng chưa từng là mục tiêu đáng chú ý cho những kẻ xấu tìm cách trục lợi từ sự phổ biến của nền tảng này. Và bây giờ đã đến thời kỳ người dùng smartphone cần phải để tâm đến độ bảo mật của nền tảng Google Android. 6 mẹo và thủ thuật dưới đây sẽ giúp làm điều đó.
Dùng mật khẩu

Biện pháp an toàn nhất cho chiếc điện thoại Android của bạn là dùng mật khẩu để khóa máy. Nghe có vẻ đơn giản, nhưng một mật khẩu mạnh – hay thậm chí là yếu – sẽ bảo vệ bạn và chiếc điện thoại thông minh của bạn trước phần lớn các mối đe dọa; nếu chẳng may máy bị rơi vào tay kẻ xấu, mật khẩu màn hình trang chính (home screen) sẽ đảm bảo an toàn cho dữ liệu của bạn và các thông tin khác có trên thiết bị.

Từng model smartphone Android có thể có tùy chọn mật khẩu khác nhau, nhưng tựu trung lại đều cùng cách truy cập. Mở menu Settings rồi cuộn xuống dưới tới phần Location & Security Settings hoặc chức năng tương tự tùy theo từng model. Đặt chế độ Screen Unlock Security, sau đó bạn sẽ thiết lập những tùy chọn mật khẩu, tùy thuộc vào thiết bị của bạn.

Lấy ví dụ, Motorola Atrix 4G cung cấp các tùy chọn mật khẩu sau để khóa máy: khóa bằng cách vẽ hình (Pattern Lok); dùng mã PIN; mật khẩu tự tạo (bao gồm chữ và số); công nghệ sinh trắc học (xác thực bằng dấu vân tay).

Dùng dấu vân tay để xác thực là an toàn và tiện dụng nhất, tiếp đến là mật khẩu, mã PIN, và cuối cùng là vẽ hình. Và dĩ nhiên, cho dù là hình thức nào đi nữa thì vẫn tốt hơn là không khóa.

(Lưu ý: Nếu bạn chọn phương thức vẽ hình để xác thực mở khóa, thì hãy chịu khó thường xuyên lau sạch màn hình cảm ứng của máy. Bởi việc lặp đi lặp lại một hình vẽ có thể để lại vết, tuy mờ cũng đủ để tin tặc phát hiện ra và sử dụng để truy cập vào thiết bị của bạn).

Sau khi đã thiết lập mật khẩu cho thiết bị Android của mình, bạn nên đặt lựa chọn Screen Timeout với mức thời gian chờ ngắn, nhờ vậy, màn hình của máy sẽ tắt và tự khóa sau một khoảng thời gian ngắn ngủi bạn không chạm vào nó. Để thực hiện, mở trình đơn Android Settings, cuộn xuống dưới và chọn Display. Trên màn hình kế tiếp xác định thời gian chờ cho lựa chọn Screen Timeout – Bạn nên chọn giá trị dưới 1 phút để đảm bảo an toàn tối đa.
Tùy chỉnh khóa màn hình chính với thông tin chính chủ

Hãy tưởng tượng bạn vô tình để quên chiếc smartphone tại một quán café. Một người tốt bụng nào đó nhặt được và muốn trả lại cho chủ nhân của nó, nhưng… biết trả cho ai? Bởi nó đã bị khóa và màn hình chính dù hiển thị hình ảnh rất đẹp nhưng chẳng đem lại chút thông tin hữu ích nào.

Tình huống này rất dễ xảy ra, và nếu như chủ sở hữu smartphone đã đưa thêm thông tin của mình vào màn hình chính, thì cơ hội nhận lại máy rất cao. Thật không may là Android lại không hỗ trợ điều này (đưa thêm thông tin vào màn hình chính của thiết bị bị khóa). Tuy vậy, bạn có thể sử dụng các ứng dụng của bên thứ ba.

Phone Found – Owner Info là một ứng dụng có thể giúp bạn đưa thông tin chính chủ vào màn hình chính thiết bị Android. Ứng dụng có thể được tải về miễn phí từ kho ứng dụng trực tuyến Android Market. Để tùy chỉnh, chạy phần mềm, chọn trình đơn Edit và nhập thông tin liên hệ của bạn. Sau đó truy cập vào Settings của ứng dụng và chọn những thông tin bạn muốn hiển thị trên màn hình chính của điện thoại khi bị khóa.

3. Đừng Root thiết bị Android của bạn

“Root” thiết bị Android nghĩa là gỡ bỏ những rào cản do nhà sản xuất áp đặt và không còn ràng buộc với nhà mạng, nó cho phép bạn dễ dàng cài đặt các ứng dụng và sử dụng dịch vụ của bên thứ ba.

Trong HĐH Linux/Unix, root là tài khoản cấp cao nhất, có toàn quyền với hệ thống.

Root cho phép bạn quyền quản trị nhân hệ thống của thiết bị, mà bình thường không thể truy cập được. Xét về mặt an toàn cho thiết bị thì đây không phải là điều hay ho, vì có thể dẫn đến thảm họa bị phần mềm độc hại tấn công do lớp bảo vệ mặc định đã bị loại bỏ. Hệ điều hành cũng có nguy cơ bị hỏng do bạn vô tình xóa mất một tập tin hệ thống nào đó.

Nếu bạn không rành về Android và cũng ít “táy máy” thì không nên root thiết bị Android của mình. Đương nhiên nếu không root thì truy cập bị hạn chế đối với một số ứng dụng và dịch vụ thời thượng nào đó, và bạn sẽ không thể tải về các ứng dụng từ nhiều kho ứng dụng không chính thức của bên thứ ba. Thế nhưng, như vậy sẽ bảo đảm an ninh hơn cho thiết bị. Và bạn cần lưu ý, thực ra phần lớn ứng dụng “tử tế” không yêu cầu quyền truy cập ở mức hệ thống, nghĩa là không cần phải root.

Tóm lại: Không nên root điện thoại Android của bạn. Nhưng nếu bạn chọn mua điện thoại Android để được “vọc” thoải mái thì hãy hết sức cẩn thận, bởi với smartphone đã bị root, nhiều biện pháp bảo vệ an ninh mà thiết bị của bạn vốn có từ khi xuất xưởng sẽ bị mất hiệu lực.
Chỉ nên tin vào kho ứng dụng Android chính thức

Ứng dụng Android có rất nhiều trên Internet, nhưng để tránh hiểm họa mã độc bạn cần lựa chọn nơi tải về các ứng dụng. Thực tế, kho ứng dụng Android Market của Google vượt quá những gì mà bạn mong muốn, mặc dù trường hợp DroidDream cho thấy kho ứng dụng Andoid chính thức chưa phải là nơi đảm bảo miễn trừ 100% malware và các ứng dụng có hại khác. (Tuy nhiên, sau “sự cố” DroidDream, Google đã tuyên bố tăng cường an ninh cho Android Marketplace).
Phòng chống virus

Hiện, trên Android Market đã có một số ứng dụng phòng chống virus chạy trên nền Android. Một số trong chúng là miễn phí, số khác phải trả tiền. Không hẳn mọi chương trình đều tốt, nhưng nhìn chung vẫn là “có còn hơn không”.

Một ứng dụng được tác giả bài viết đề xuất là Lookout Mobile Security. Lookout có sẵn cho phép tải về miễn phí, với chế độ quét phát hiện virus căn bản, các tính năng Find-My-Phone giúp xác định vị trí của chiếc điện thoại bị mất hay bị ăn cắp, cùng các tùy chọn sao lưu và phục hồi. Bạn cũng có thể nâng cấp Lookout cho tính năng bảo mật mạnh hơn, nhưng phiên bản miễn phí sẽ chỉ cung cấp mức bảo vệ cơ bản cho người dùng thông thường.

Một ứng dụng phòng chống virus miễn phí khác, cũng đáng chú ý, là Antivirus Free.

Nhìn chung nếu bạn không chọn chế độ chạy ứng dụng phòng chống virus thường xuyên cho thiết bị Android của mình, thì cũng nên quét ngay sau mỗi lần tải một ứng dụng về.
Kết nối không dây và bảo mật

Những khi bạn không dùng thiết bị để truy cập mạng, hãy tắt chế độ kết nối không dây trên smartphone Android của mình. Cụ thể, bạn nên tắt Wi-Fi khi rời khỏi nhài. Sau khi sử dụng tai nghe Bluetooth trong xe hơi, bạn cũng nên tắt Bluetooth. Làm như vậy sẽ không chỉ tiết kiệm pin, mà còn giảm được nguy cơ các đối tượng xấu rình rập tìm cách kết nối với thiết bị của bạn mà bạn không biết.

Ngoài ra, bạn cũng nên vô hiệu hóa tùy chọn tự động kết nối Wi-Fi trên máy, để đảm bảo thiết bị không tự động kết nối tới một điểm truy cập Wi-Fi công cộng, vì thông qua đó nguy cơ kẻ xấu truy cập vào thiết bị của bạn là rất cao. Tắt tự động kết nối Wi-Fi bằng cách mở trình đơn Settings, sau đó chọn Wireless & Networks và tiếp theo chọn Wi-Fi Settings. Nếu điện thoại của bạn có một tùy chọn tự động kết nối Wi-Fi, bạn sẽ thấy nó được liệt kê ở đây. Bỏ chọn hộp tự động kết nối để tắt chức năng này.

Trên trang thiết lập Wireless & Networks, bạn cũng sẽ thấy một tùy chọn Bluetooth Settings. Mở tùy chọn này và bật Bluetooth thành on nếu nó đang off. Sau đó nhấp vào tùy chọn Device Name và đổi tên thiết bị Android của bạn thành tên riêng theo như bạn muốn. Điều này sẽ làm giảm sự nhầm lẫn về sau, lúc bạn kết nối điện thoại của mình với một thiết bị khác thông qua Bluetooth.

Nếu điện thoại Android của bạn hỗ trợ tính năng tạo điểm truy cập di động (hotspot), bạn nên thiết lập chế độ bảo vệ mạng cá nhân do thiết bị của bạn tạo ra. Đầu tiên, mở Wireless & Networks rồi cuộn xuống dưới và chọn Mobile Hotspot. Tiếp theo, bật tính năng điểm truy cập Wi-Fi của thiết bị và nhấp vào trình đơn thiết lập Wi-Fi Hotspot Settings.

Một khi tính năng hotspot được kích hoạt, trang Wi-Fi Hotspot Settings sẽ hiển thị một tùy chọn để cấu hình điểm truy cập – Configure Wi-Fi Hotspot. Mở trình đơn này, đặt tên riêng cho mạng của bạn, chọn chế độ bảo mật WPA2 PSK từ trình đơn thả xuống và sau đó xác lập một mật khẩu cho mạng. Lưu mọi thay đổi, và hotspot Wi-Fi của bạn giờ đây đã được bảo đảm an toàn.

Hãy tắt hotspot Wi-Fi khi không sử dụng, như vậy những ai không được phép sẽ không thể sử dụng mạng của bạn, để dung lượng thuê bao tháng của bạn không bị tăng vọt và cũng là ngăn ngừa việc lén truy cập thông tin thiết bị của bạn.

Theo PCWorld VN

Trả lời