Sai lầm nên tránh khi mở doanh nghiệp

Mặc dù có rất nhiều nguyên nhân lý giải tại sao các doanh nghiệp nhỏ hay đổ vỡ, song một trong những sai lầm chung nhất lại diễn ra ngay từ lúc khởi đầu – khi lựa chọn ý tưởng kinh doanh.

Trong rất nhiều trường hợp đổ vỡ, lý do chỉ đơn giản là đưa ra lựa chọn sai. Để giúp bạn tránh lỗi này, xin cung cấp cho các bạn 4 lý do chính dẫn đến những lựa chọn sai.

Thứ nhất, không xác định được nhu cầu của thị trường. Thành công sẽ đến dễ dàng hơn nếu như bạn làm cái mình thích. Tuy nhiên, khát vọng đối với một hoạt động hoặc sản phẩm cụ thể là chưa đủ làm cơ sở cho việc mở doanh nghiệp. Bạn cần xem xét tiềm năng của thị trường, mức độ cạnh tranh, các nguồn lực phải có và tính độc đáo của ý tưởng.

Điều quan trọng hơn, bạn cần xem xét nhu cầu tiềm năng của thị trường đối với sản phẩm dự kiến. Nếu chỉ đưa sở thích của mình vào hoạt động kinh doanh mà trước đó không tìm hiểu xem thị trường có nhu cầu không, thì khả năng thất bại luôn cầm chắc.

Xác định nhu cầu tiềm năng và quy mô của thị trường cho sản phẩm của bạn là nhân tố đầu tiên trong việc lựa chọn hoạt động kinh doanh.

Thứ hai, tiến hành kinh doanh mà không có kế hoạch phù hợp. Bạn cần lập kế hoạch cho từng bước hoạt động cụ thể, từng quyết định nhỏ đưa ra. Kế hoạch kinh doanh được thảo ra bằng văn bản luôn phản ánh một chiến lược kinh doanh khoa học và hợp lý. Việc này đảm bảo để hoạt động kinh doanh luôn đi theo đường hướng và mục tiêu đã định.

Thứ 3, không chịu học hỏi và không tìm kiếm sự trợ giúp. Điều rất đáng tiếc là hầu hết những người có nhu cầu mở doanh nghiệp đều không tham khảo ý kiến người khác đối với ý tưởng kinh doanh của mình. Lý do là hoặc vì họ quá tự tin, sợ người khác ăn cắp ý tưởng của mình, hoặc đơn giản bởi họ cho rằng, người khác chẳng giúp ích gì. Dù với lý do gì đi nữa, thì tư duy này rất thiển cận.

Dẫu rằng, không phải lời khuyên nào cũng có giá trị, cũng đáng tham khảo, song nói chung ý kiến của nhiều người sẽ giúp bạn có được cái nhìn rộng mở hơn, toàn diện hơn để bạn có thể đưa ra đánh giá chính xác hơn trong việc lựa chọn sản phẩm và định hướng kinh doanh.

Thứ tư, cố triển khai kinh doanh khi có quá ít tiền. Bạn có thể cháy bỏng khát vọng mở doanh nghiệp, song liệu bạn có đủ sức để doanh nghiệp trụ vững không? Liệu các chi phí có được bạn trù liệu chính xác và có nằm trong khả năng của bạn không? Bạn đã tính đến chi phí cho việc hỗ trợ sản xuất, marketing?

Nếu bạn không đủ tiền mặt để hỗ trợ cho doanh nghiệp của mình, thì nguy cơ đổ bể là vô cùng lớn.

Trả lời