Cách lãnh đạo giải quyết mâu thuẫn nội bộ

Nhiều người cho rằng việc đấu đá nội bộ là không thể tránh khỏi trong môi trường doanh nghiệp. Hầu hết mọi người đều gặp phải những cuộc đấu đá này ít nhất 1 lần trong sự nghiệp.

Shawn Lee – Trưởng bộ phận kinh doanh Công ty tư vấn thiết kế Macquarie Design tại Singapore, cho biết: “Trong công ty trước đây của tôi, thay vì cạnh tranh lành mạnh, những cuộc đấu đá đã ảnh hưởng đến tinh thần của cả công ty và dẫn đến sự phân chia bè phái trong nội bộ. Các đồng nghiệp đã ngừng hợp tác để đảm bảo sự tiến bộ của công ty; thay vào đó, họ dành nhiều thời gian và công sức để giành giật ảnh hưởng với nhau. Điều này khiến năng suất công việc bị ảnh hưởng”.

Đáng buồn thay, trải nghiệm của Lee xem ra lại khá phổ biến. Những “trò chơi vương quyền” tại nơi công sở thường gây hại nhiều hơn là lợi. Làm thế nào để những lãnh đạo doanh nghiệp có thể ngăn chặn các cuộc đấu đá như thế này xuất hiện?

1. Xây dựng các mối quan hệ tốt

Việc khuyến khích các mối quan hệ lành mạnh trong tập thể là một cách tốt để ngăn chặn thái độ tiêu cực. Việc giúp cho nhân viên cảm thấy là một phần của tập thể sẽ hướng họ tới thái độ hợp tác, thay vì những cuộc cạnh tranh vô nghĩa và phản tác dụng.

Lee cho biết: “Tại công ty này, chúng tôi chưa gặp phải tình trạng đấu đá. Nhóm chúng tôi khá nhỏ và trên hết, chúng tôi luôn ưu tiên xây dựng một cộng đồng – một ‘gia đình’ tại nơi làm việc. Chúng tôi dành nhiều thời gian với nhóm, và biết về nhau trên tư cách những cá nhân, chứ không chỉ là nhân viên hoặc đồng nghiệp. Chúng tôi luôn hướng đến việc kết nạp nhiều thành viên mới và xây dựng mối quan hệ chặt chẽ hơn nữa giữa các thành viên trong tập thể”.

2. Thiết lập văn hoá doanh nghiệp lành mạnh

Một lý do tại sao những màn đấu đá có thể “đơm hoa kết trái” là vì cấp trên bỏ qua và thậm chí là khuyến khích điều đó. John Thornton – Giám đốc chi nhánh Thái Lan của Dịch vụ nhân sư TribeHired, cho biết trong trong một công việc trước đây của mình, ông đã trình bày về vấn đề đấu đá lên các cấp quản lý cao hơn, và chỉ nhận lại được sự phớt lờ.

Bằng cách xây dựng nền văn hoá doanh nghiệp lành mạnh và chủ động ngăn ngừa các hành vi có hại, bạn có thể chặn lại những mầm mống đấu đá sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực đến công ty. Thornton nói: “Chúng tôi muốn có một môi trường làm việc nơi mọi người đều chịu trách nhiệm về hành vi của mình. Tôi có quan điểm gần như cực đoan rằng bạn phải để lại “cái tôi” ở nhà trước khi bước vào văn phòng. Nhân viên của chúng tôi biết rằng họ có thể làm việc tại một nơi có sự hiểu biết và hỗ trợ. Nếu có bất cứ điều gì phát sinh, thì họ sẽ được an tâm khi biết rằng cấp trên sẽ không chấp nhận hành vi có hại như vậy”.

ky nang giai quyet mau thuan noi bo cho lanh dao Cách giải quyết mâu thuẫn nội bộ dành cho lãnh đạo

Các nhà lãnh đạo cần giải quyết mâu thuẫn để không ảnh hưởng đến hiệu suất làm việc

3. Xây dựng mạng lưới thông tin cởi mở

Luna Javier – Đồng sáng lập kiêm Giám đốc sáng tạo của Công ty phát triển trò chơi Altitude Games tại Manila – giải thích rằng việc công khai và minh bạch mọi thứ nên là ưu tiên hàng đầu để tạo nên một môi trường làm việc lành mạnh.

Javier giải thích: “Chúng tôi khởi đầu tuần mới với một cuộc họp, tại đó chúng tôi thảo luận về tình trạng của mỗi dự án, cũng như tình hình tài chính của công ty. Các công ty khởi nghiệp vốn dĩ luôn luôn trong trạng thái thay đổi. Do vậy, thay vì giữ mọi thứ bí mật và ra các quyết định theo lối ‘buông rèm nhiếp chính’, chúng tôi thành thật với mọi người rằng mình đang làm gì và vì sao”.

“Chúng tôi cũng thuê một người chuyên quản trị nhân sự, mặc dù chúng tôi chỉ là một công ty nhỏ. Mọi người có thể nói chuyện với người này nếu họ cảm thấy không thoải mái với việc trao đổi trực tiếp với ban lãnh đạo. Việc cập nhật tình hình thường xuyên với người quản lý nhân sự đã giúp chúng tôi sớm nhận thức được các vấn đề tiềm tàng. Mọi người đều thành thật và cởi mở với nhau. Công ty chúng tôi thực sự là một nơi tuyệt vời để làm việc”.

4. Phát triển tâm thế cho nhân viên

Những cuộc đấu đá thường phát sinh vì cảm giác bất mãn và thiếu tự tin. Nếu nhân viên cảm thấy như họ không có giá trị hoặc sự nghiệp của họ bị kiềm hãm, một số người sẽ sử dụng những chiêu trò để giành sự chú ý và hưởng lợi. Nhưng mọi việc sẽ khác đi, nếu nhà lãnh đạo biết định hướng nhân viên và làm cho họ cảm thấy luôn được hỗ trợ, khi đó mọi người sẽ hướng tới một mục tiêu chung thay vì tìm cách tư lợi.

Javier cho biết thêm: “Nếu nhà lãnh đạo biết cách huy động mọi người tham gia xây dựng sự thành công của công ty, thì mọi người đều sẽ ủng hộ các quyết định của lãnh đạo. Nếu bạn thành thật về tình hình tài chính của công ty, thì nhân viên sẽ bớt nghĩ về chuyện đi tìm các công việc khác bên ngoài. Tất cả mọi chuyện ở đây phụ thuộc vào vấn đề niềm tin”.

5. Chú ý đến khâu tuyển dụng

Việc ngăn ngừa các hành vi xấu là tương đối dễ dàng hơn trong một công ty nhỏ, nhưng khi công ty mở rộng, thì nguy cơ phát sinh sự bất mãn càng tăng cao. Nhà lãnh đạo có thể phòng ngừa bằng cách tuyển dụng những người biết cách làm việc tập thể, đồng thời phải biết cách uốn nắn những cá nhân thích theo đuổi tư lợi.

Một bài học khác từ Thornton là bạn hãy thuê những người biết tập trung vào công việc, chứ không phải những người giỏi chiêu trò. Ông nói: “Trong hầu hết các tình huống, những cuộc đấu đá thường xuất phát từ những người biết rằng họ có điểm yếu và không muốn các điểm yếu này bị phát hiện ra. Vì vậy, để đối phó với điều này, họ sẽ thường lan truyền những tin đồn sai lệch về người khác để không ai chú ý tới họ”.

Do đó, hãy suy nghĩ kỹ khi bạn tuyển dụng một người mới. Điều này có thể bạn giảm thiểu sự căng thẳng cho bản thân cũng như cho công ty, và bảo vệ nền văn hoá doanh nghiệp lành mạnh mà bạn đã và đang cố gắng thiết lập.

Ý NHI (theo Inc.)/NCĐT