Học cách giao tiếp với bố mẹ

Bạn là một người trẻ. Bạn đang sống với gia đình, hoặc tự lập. Bạn được đánh giá là vui vẻ, hòa đồng với bạn bè, biết cách giao tiếp ngoài xã hội. Thế nhưng về nhà, bạn luôn giữ bộ mặt đầy khoảng cách với bố mẹ, thái độ lạnh nhạt trong bữa ăn và chẳng bao giờ nói chuyện với bố mẹ một câu nào cả. Bạn không có vấn đề gì về giao tiếp, hẳn nhiên. Nhưng thái độ xa cách với bố mẹ của nhiều bạn trẻ hiện nay là điều đáng lo ngại cho sự rạn nứt về các mối quan hệ trong gia đình. Đã đến lúc bạn nhìn nhận lại mọi việc và suy ngẫm.

Có thể bạn cho rằng “bố mẹ chẳng hiểu mình”,  “bố mẹ luôn bắt mình làm theo ý bố mẹ”, “bố mẹ chẳng yêu thương, chẳng quan tâm mình”, “bố mẹ cấm cản mình nhiều chuyện”…

Từ những sự bất tương đồng này, lớn lên cùng với sự trưởng thành của bạn mà bạn ngại nói chuyện, chia sẻ cuộc sống của bạn với bố mẹ. Bạn cho rằng bố mẹ không cần biết và cũng không hiểu gì cuộc sống/công việc/học tập của bạn…nên có trò chuyện cũng như vậy.

Thực tế, không phải do khác biệt tính cách hay quan điểm mà cuộc trò chuyện của bạn với bố mẹ không như ý muốn. Đây là do sự khác biệt tuổi  tác cũng như mối bận tâm của mỗi bên khác nhau. Khi bạn lớn và ở vào vị trí của bố mẹ, bạn cũng sẽ nghĩ như bố mẹ.

Cuộc nói chuyện của bạn với bố mẹ thường ngắn ngủn, mệt mỏi hoặc chẳng ra ngô khoai gì đơn giản là vì bạn muốn tâm sự về chuyện yêu đương, những thắc mắc trong lòng bạn về người khác giới, còn bố mẹ chỉ muốn nói chuyện học hành, sự nghiệp sau này của bạn. Nếu bố mẹ ở vào độ tuổi của bạn, họ cũng vậy thôi. Nhưng vấn đề là mỗi độ tuổi có một mối suy nghĩ riêng và chúng ta cứ nghĩ rằng phía kia cũng sẽ có hứng thú với chủ đề mà mình đang băn khoăn suy nghĩ. Không biết cách trò chuyện với những người khác biệt thế hệ chính là khuyết điểm lớn nhất khiến bố mẹ mâu thuẫn với con cái. Lỗi này là do cả hai bên, song phía con cái bao giờ cũng tỏ ra tiêu cực, bất mãn hơn từ đó mối quan hệ ngày càng xa cách. Vì vậy, bạn là một người trẻ, bạn cần biết những nguyên tắc này để chủ động kéo gần khoảng cách với bố mẹ.

ky nang giao tiep voi con cai Cách giao tiếp với bố mẹGiao tiếp với bố mẹ

Thật là cũng hơi buồn cười khi chúng ta cùng sống trong một mái nhà với bố mẹ lại phải lưu ý vấn đề giao tiếp như thế. Bạn đã không biết bao lần dỗi hờn bố mẹ, nói xấu bố mẹ với lũ bạn và đóng cửa phòng khi giận hờn gì với bố mẹ. Bố mẹ không biết bao lần đã quát mắng bạn, đe nạt bạn, cấm cản đủ thứ và còn nói với bạn những lời lẽ nặng nề. Bạn nông nổi, bồng bột và cho rằng như thế là bố mẹ không yêu thương mình, vội vàng bỏ nhà ra đi…Nhưng hãy suy ngẫm xem, đi tận cùng thế giới này, bạn sẽ chẳng thấy ai yêu mình, thương mình như bố mẹ đâu. Có thể do nhiều nguyên nhân, sự thể hiện tình cảm giữa hai bên con cái và bố mẹ trở nên khó khăn: đến mức chúng ta nghĩ bố mẹ không có tình cảm gì với mình. Đây là điều nghiêm trọng vì nó khiến các mối quan hệ trong gia đình trở nên ngột ngạt, khó khăn và nứt vỡ.ư

Có thể bạn vẫn thương bố mẹ, nhưng chẳng bao giờ bạn nói chuyện, gọi điện hay nhắn tin để bố mẹ biết về cuộc sống của mình. Bạn nghĩ rằng, họ không cần biết điều đó. Bạn có bao giờ nghĩ rằng, nếu trò chuyện với bố mẹ nhiều hơn, bạn sẽ hiểu họ, thương họ nhiều hơn và thấy gắn bó với gia đình hơn?

Với bố mẹ, bạn không cần phải tuân theo những nguyên tắc giao tiếp cứng nhắc thông thường: bạn chỉ cần gần gũi, chuyện trò với bố mẹ nhiều hơn, có thể chỉ là hỏi han một vài câu linh tinh nào đó…Dần dần, mối quan hệ sẽ trở nên tốt hơn. Quan trọng là bạn có nỗ lực để cải thiện mối quan hệ với bố mẹ mình?

Theo Ngoisao