Máy tính và cà phê có gì giống nhau?

14
Chiếc máy tính Apple và ly cà phê Starbucks có rất nhiều điểm giống nhau. Điểm giống nhau quan trọng nhất là hai vị CEO của hai thương hiệu này giống như hai đứa trẻ, họ đều nghĩ rằng sản phẩm của mình có thể thay đổi cả thế giới.
Jobs thuyết phục các nhà thiết kế phần mềm của mình rằng họ đang cùng nhau thay đổi thế giới, và làm cho đời sống con người tốt đẹp hơn.
Vào năm 2003, trả lời phỏng vấn trên Rolling Stone để nói về iPod, Jobs nói rằng, máy nghe MP3 không chỉ là một thứ đồ chơi mà còn có ý nghĩa hơn nhiều. Theo Jobs, “Âm nhạc đã được phát minh lại trong thời đại kỹ thuật số này, và nó được đưa trở lại đời sống con người. Thật là một điều tuyệt vời. Và bằng cách khiêm tốn của chúng tôi, chúng tôi đang làm cho thế giới trở nên tốt đẹp hơn”.
14
 
Có một số người xem iPod chỉ là máy nghe nhạc, còn Jobs thì nhìn thấy một thế giới, trong ấy người ta có thể nghe những bài hát ưa thích và mang âm nhạc theo mình đi bất kỳ đâu, đời sống của họ nhờ thế mà phong phú hơn.
Jobs làm mọi người nhớ đến một nhân vật khác, đó là Tổng giám đốc của Starbucks, Howard Schultz. Trong cuốn sách Pour Your Heart into It, Schultz mô tả sự say mê của mình về những gì ông làm. Sự thật là từ đam mê gần như xuất hiện trên mỗi trang giấy. Nhưng người đọc nhanh chóng nhận thấy ông không đam mê cà phê bằng đam mê con người, những người phục vụ bán cà phê barista đã làm cho Starbucks nổi tiếng như vậy.
Mọi người có thể nhìn thấy được rằng, ước mơ cốt lõi của Schultz không phải là làm ra tách cà phê ngon. Nó còn lớn hơn nhiều. Schultz muốn tạo ra một trải nghiệm, một không gian thứ ba giữa nơi làm việc và nhà ở, để người ta có nơi hội họp thoải mái. Ông muốn xây dựng một công ty có cách đối xử với con người đàng hoàng và tôn trọng. Ước mơ của Schultz ít liên quan đến cà phê và tất cả đều dồn vào trải nghiệm mà Starbucks trình ra.
Jim Collins viết trong cuốn sách Từ tốt đến vĩ đại rằng “Vài nhà lãnh đạo doanh nghiệp cảm thấy không thoải mái khi phải biểu lộ cảm xúc về ước mơ của mình, nhưng chính lòng đam mê và cảm xúc đã hấp dẫn và động viên người khác”.
Những nhà truyền thông như Steve Jobs và Howard Schultz đều say mê về cách mà các sản phẩm của họ cải thiện đời sống khách hàng của mình. Họ không sợ nói ra. Cà phê, máy tính, iPods – tất cả đều không quan trọng. Điều quan trọng là họ được thúc đẩy bằng một ước mơ làm thay đổi thế giới, “ghi một dấu ấn trên vũ trụ”.
Có đầy rẫy những kỹ thuật giúp bạn bán các ý tưởng của mình một cách hữu hiệu hơn, nhưng không một kỹ thuật nào có thể bù đắp cho sự thiếu niềm đam mê đối với dịch vụ, sản phẩm, công ty và mục tiêu của bạn.
Bí quyết là phải tìm ra niềm đam mê thật sự của bạn là gì.
Rất nhiều khi, nó không phải là “công cụ”, mà là bằng cách nào công cụ ấy cải thiện được đời sống các khách hàng. Sau đây là một đoạn trả lời phỏng vấn của Jobs đăng trên tạp chí Wired năm 1996:
“Thiết kế là một từ buồn cười. Có người nghĩ thiết kế là làm ra hình dáng của nó. Nhưng thật ra nếu suy nghĩ kỹ hơn, ta thấy thật sự là tạo ra cách hoạt động của nó. Thiết kế của Mac không phải là làm cho nó trông như thế nào, mặc dù đó là một phần của thiết kế. Chủ yếu là làm cho nó hoạt động ra sao. Muốn thiết kế một cái gì thật sự tốt, ta phải nắm được nó. Ta phải thật sự hòa mình vào nó. Phải có một cam kết say mê để thật sự hiểu thấu đáo một cái gì, nghiền ngẫm nó chứ không phải chỉ nuốt chửng nó. Nhiều người không bỏ thì giờ để làm việc này”.
Sức hấp dẫn của họ là tầm nhìn vĩ đại nhưng vô cùng đơn giản – làm cho thế giới trở nên tốt đẹp hơn
Jobs đã dùng từ hòa mình. Cũng như Howard Schultz không say mê đối với chính sản phẩm của mình là cà phê, Jobs không say mê với các phần cứng. Ông say mê với cách thiết kế thế nào để cho một thứ gì đó chạy tốt hơn.
 
Theo doanh nhân

Trả lời