Mua doanh nghiệp với giá bao nhiêu

15
Thương vụ mua bán doanh nghiệp trị giá 20.000 đồng (tương đương 1 USD) ở Hải Phòng đang bị coi như một hiện tượng lạ.
Lạ không chỉ bởi mức giá mang tính tượng trưng của thương vụ này, mà quan trọng hơn, là lo ngại từ phía cơ quan quản lý nhà nước về trách nhiệm của họ trong trường hợp nghĩa vụ của doanh nghiệp sau khi đổi chủ với các chủ nợ của doanh nghiệp cũ không thuận chèo mát mái.
Tại Hội nghị Ngành kế hoạch và đầu tư (vừa được tổ chức hồi đầu tháng 7), ông Đan Đức Hiệp, Phó chủ tịch UBND TP. Hải Phòng đã thông tin về việc một doanh nghiệp (thành lập năm 2011) chỉ trong vòng vài tháng đã tiến hành mua lại một số doanh nghiệp với giá 20.000 đồng/thương vụ. Đa phần doanh nghiệp được mua lại có lợi thế về đất, song đang trong tình trạng nợ lớn, thậm chí, có khoản nợ lên tới cả ngàn tỷ đồng.
15
Điều đáng nói là, theo ông Hiệp, thông tin về khoản nợ cả ngàn tỷ đồng đó chỉ được Sở Kế hoạch và Đầu tư Hải Phòng biết khi Sở này liên hệ với phía ngân hàng để tìm hiểu thông tin, do phân vân trước hồ sơ thay đổi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của các doanh nghiệp này. “Vậy còn những nghĩa vụ khác với bạn hàng, đối tác khác thì sao?”, ông Hiệp đặt vấn đề.
Theo quy định, cơ quan đăng ký kinh doanh phải hoàn tất thủ tục thay đổi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh sau khi các bên thỏa thuận và hoàn tất các nghĩa vụ tài chính theo quy định.
Xem ra, trong trường hợp này, cơ quan quản lý bị đặt vào thế bị động do không nắm được thông tin đầy đủ về tình hình hoạt động của doanh nghiệp cho tới thời điểm tiến hành các thủ tục thay đổi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.
 
Trao đổi với phóng viên, Luật sư Bùi Thanh Lam (Công ty Luật Liên Á và Cộng sự) cho biết, những thương vụ “kiểu 1 USD” ở Việt Nam không phải quá hiếm. Còn nhớ, năm 2006, thương vụ mua bán doanh nghiệp với giá 1 USD được công khai đầu tiên tại Việt Nam là việc Doanh nghiệp Trẻ Đồng Nai mua lại Công ty Cheerfield Vina (100% vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, có vốn điều lệ 2 triệu USD). Khi tiếp nhận Cheerfield Vina, Doanh nghiệp Trẻ Đồng Nai phải gánh các khoản nợ lên tới 34 tỷ đồng.
Đây có thể coi là hình thức mua nợ để thâu tóm doanh nghiệp, được thực hiện giữa ngân hàng (bên bán nợ), công ty bị mua và bên đi mua. Khi bán xong nợ, ngân hàng sẽ dịch chuyển toàn bộ quyền và nghĩa vụ cho chủ nợ mới.
 
Khả năng trốn nợ hoặc không thực hiện các nghĩa vụ của doanh nghiệp sau khi bị bán được xem là không đáng ngại, vì các hợp đồng, tài liệu về mua bán nợ đều phải thể hiện được các nội dung liên quan đến việc chuyển vốn vay thành vốn chủ sở hữu và việc tham gia quản trị, điều hành của bên đi mua.
“Sau khi hoàn thành giao dịch, bên thâu tóm chuyển thành ông chủ mới của doanh nghiệp. Các bên sẽ hoàn thiện các thủ tục để tất toán hợp đồng mua bán nợ, giải chấp tài sản bảo đảm của khoản nợ (nếu có), ký kết các hợp đồng đặt mua cổ phần và hoàn thiện các thủ tục để phát hành cổ phần, đăng ký tăng vốn, công bố thông tin… theo quy định của pháp luật”, Luật sư Lam phân tích và cho rằng, lo ngại về việc doanh nghiệp lách luật, trốn khoản thuế chuyển nhượng cũng không cần đặt ra, vì đứng về phía doanh nghiệp, thương vụ này bị lỗ, nên không phát sinh thu nhập.
 
Như vậy, nỗi lo của vị phó chủ tịch UBND TP. Hải Phòng phần nhiều nằm ở thông tin về doanh nghiệp không đầy đủ, cập nhật. Đó là chưa kể, không ít trường hợp, cơ quan đăng ký kinh doanh chỉ biết doanh nghiệp “biến mất” khi các văn bản gửi tới địa chỉ đăng ký chính thức của doanh nghiệp bị gửi trả lại vì không có người nhận.
Trong khi đó, cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp (trên Hệ thống Thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia) được kỳ vọng sẽ giải tỏa những lo ngại liên quan đến thông tin doanh nghiệp mới hoàn tất được một phần, đó là việc cập nhật và thống nhất thông tin doanh nghiệp giữa cơ quan thuế và đăng ký kinh doanh.
Ông Lê Quang Mạnh, Cục trưởng Cục Đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) – đơn vị chịu trách nhiệm vận hành hệ thống này cho biết, Hệ thống đang được hoàn tất theo hướng công khai thông tin về hoạt động của doanh nghiệp, đặc biệt là báo cáo tài chính doanh nghiệp, tình hình thực hiện các nghĩa vụ thuế… cũng như thông tin cảnh báo từ các cơ quan quản lý nhà nước, chủ nợ, đối tác về doanh nghiệp…
 
“Khi hoàn tất, cơ quan quản lý nhà nước sẽ có đủ công cụ để thực hiện trách nhiệm của mình. Thị trường cũng sẽ có thông tin minh bạch, công khai về hoạt động của các doanh nghiệp để dẫn hướng cho các quyết định làm ăn, kinh doanh”, ông Mạnh nói và cho biết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính đã thống nhất đề xuất áp dụng yêu cầu này tới tất cả các loại hình doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp nhà nước.
 
Được biết, tháng 10-2012, việc truy cập thông tin về doanh nghiệp trên Hệ thống Thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia sẽ triển khai thí điểm, để đến quý 1-2013, toàn bộ thông tin theo thời gian thực của hoạt động doanh nghiệp sẽ chính thức được vận hành.
Theo Baodautu

Trả lời