Làm gì với nợ vốn nước ngoài

21
Nợ nước ngoài Việt Nam tính đến cuối năm 2010 là 42% tổng sản phẩm quốc nội (GDP), thấp hơn mức dự đoán trước đây (trên 50% GDP). Song con số 42% này lại chưa nói lên nhiều điều, trong khi nợ nước ngoài đang có những xu hướng mới liên quan đến lãi suất vay, nguồn trả nợ. Thạc sĩ Bùi Ngọc Sơn, Trưởng phòng Nghiên cứu Kinh tế Quốc tế, Viện Kinh tế và Chính trị Thế giới, đã trao đổi với chúng tôi về vấn đề này.
21
Tính đến cuối năm ngoái, nợ nước ngoài của Việt Nam chiếm hơn 42% GDP, cao hơn mức 39% của năm 2009 và cao hơn mức dự kiến khoảng 39% năm 2010. Xu hướng nợ nước ngoài tăng nhanh theo ông có đáng lo ngại?
Nếu nhìn vào tỉ lệ nợ thì không đáng ngại. Nhưng nếu nhìn tốc độ tăng nhanh, cộng thêm với bối cảnh nền kinh tế gần đây đang khó khăn, nên cũng tạo ra tâm lý ít nhiều quan ngại. Tuy nhiên, nhìn tổng thể thì không có gì phải quá lo lắng. Dù gì nước ta cũng có tốc độ tăng trưởng khá, tỉ lệ xuất khẩu/GDP khá, khoảng 30% GDP. Do đó, gia tăng nợ đôi chút cũng chưa đáng lo trong ngắn hạn.
 
Mức 42% chưa phải là cao nên chưa đáng lo ngại. Nhưng có phải chúng ta vẫn cần phải lưu ý thêm những yếu tố khác?
Con số 42% GDP theo tôi không nói lên được tất cả. Quan trọng là nền kinh tế phải hiệu quả, tốc độ tăng trưởng cao, lúc đó Chính phủ có thể thu được nhiều thuế để trả nợ. Đặc biệt xuất khẩu rất quan trọng, đem ngoại tệ về để trả nợ. Số nợ có đáng lo ngại hay không còn phụ thuộc vào cách thức Chính phủ quản lý nợ.
Bài học vỡ nợ của Argentina là vay nợ tràn lan trong khi Chính phủ lại không kiểm soát được khả năng thu thuế, nên không có nguồn để trả nợ. Thêm vào đó là vấn đề tham nhũng; chính quyền địa phương được vay quá dễ dãi, tự phát hành trái phiếu. Nước này xuất khẩu thấp, chỉ chiếm 10% GDP. Tiền thu về ít, tiền trả nợ nhiều, dẫn đến khả năng trả nợ của Chính phủ rất thấp. Lúc Argentina vỡ nợ, nợ công cũng chỉ bằng 69% GDP, chưa phải là lớn so với nhiều nước.
 
Nước ta vẫn kiểm soát được các vấn đề này, nhưng hiệu quả của nền kinh tế và chi tiêu có vẻ gặp ít nhiều lo lắng. Song, dù sao con số 42% GDP không đáng lo ngại.
Việt Nam nhập siêu liên miên khiến dự trữ ngoại hối giảm mạnh so với tổng nợ ngắn hạn. Cho nên vẫn đáng lo lắng về việc trả nợ?
Nhìn vào dự trữ ngoại hối đúng là như thế. Nhưng, nhìn về xu hướng thì thấy, những quốc gia có tốc độ xuất khẩu tốt vẫn có cơ hội tốt để thu ngoại tệ về. Còn nước nào không thể bán được gì ra bên ngoài, không có nguồn ngoại tệ, chỉ có nội tệ không thôi thì không thể chứng minh với chủ nợ về khả năng trả nợ.
Còn đúng là hiện nay dự trữ ngoại tệ của chúng ta có giảm. Tuy nhiên, cũng phải thông cảm với Chính phủ, vì các năm 2008-2009 kinh tế khó khăn, Chính phủ phải tung ra các gói kích cầu. Nhưng 6 tháng đầu năm, Ngân hàng Nhà nước cũng mua thêm được vài tỉ USD. Do đó, dự trữ ngoại tệ đã tăng trở lại, nên không quá lo lắng. Nếu nước ngoài thấy Việt Nam có nguồn ngoại tệ lớn trong tay, xuất khẩu tốt, họ sẽ yên tâm cho vay.
 
Phần lớn các khoản nợ được sử dụng để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng. Nhưng tại sao trong phân tích, ông nhấn mạnh khá nhiều tới hỗ trợ cho lĩnh vực có thể xuất khẩu?
Đầu tư vào cơ sở hạ tầng là hiển nhiên, nhưng cũng cần đầu tư vào các lĩnh vực tạo điều kiện hỗ trợ cho xuất khẩu. Còn với cơ sở hạ tầng, phải đảm bảo không xảy ra tham nhũng thất thoát, chi phí hợp lý. Bởi thực tế là ở nhiều lĩnh vực, chi phí của chúng ta rất đắt đỏ, cao hơn mặt bằng chung khu vực. Giả sử cùng một lượng vốn, thế giới làm được 1,5 công trình, nhưng chúng ta lại chỉ làm được một công trình thì đó là vấn đề. 1,5 công trình thì chỉ 20 năm để hoàn vốn. Nhưng một công trình thì lại phải thời gian nhiều năm hơn mới hoàn vốn. Do đó, phải cân nhắc đầu tư cơ sở hạ tầng có hiệu quả và có chú trọng đầu tư cho xuất khẩu. Tất nhiên để thúc đẩy xuất khẩu, cần kèm theo những chính sách khác như tỉ giá.
 
Thưa ông, lãi suất vay nợ nước ngoài đang có xu hướng tăng khi nước ta trở thành nước có thu nhập trung bình. Theo ông, chúng ta nên ứng xử thế nào với điều này?
Lãi suất vay nợ tăng lên là không tránh khỏi, vì khi chúng ta khá giả hơn cũng phải trả cái giá vốn cao hơn. Còn giá vốn cao như vay thương mại chúng ta lại phải ứng xử khác đi. Nếu muốn trả giá thấp, phải tạo nền tảng kinh tế hiệu quả, minh bạch, các tổ chức cho vay sẽ có lòng tin và sẵn sàng cho vay với giá thấp.
 
Hiện nay, nước ta đang được vay vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) với lãi suất thấp. Nếu sử dụng vốn này tốt, hiệu quả, chính phủ quản lý chặt chẽ, sẽ tạo được hình ảnh tốt, mức tín nhiệm cao đối với các tổ chức cho vay. Đây chính là đà để tạo lòng tin với các nhà tài trợ. Khi tạo dựng được lòng tin với họ, chắc chắn tiếp cận vốn vay thương mại chúng ta sẽ được vay với lãi suất thấp.
 
Điểm đáng lưu ý là nợ vay bằng ngoại tệ, trong đó có những đồng tiền chủ chốt như USD và yen Nhật. Trong khi đó, tỉ giá có chiều hướng nới rộng, lượng tiền trả nợ năm 2010 tăng mạnh so với năm 2009. Theo ông, có cách nào giảm rủi ro tăng nợ nước ngoài từ chuyện tăng tỉ giá?
Tôi nghĩ chúng ta cũng không nên quá lo lắng về tỉ giá. Vấn đề tỉ giá là do thực lực nền kinh tế tạo ra. Nếu muốn hỗ trợ cho xuất khẩu để có nguồn trả nợ tốt, chính sách phải thiên về phá giá đồng tiền. Khi phá giá đồng tiền các khoản nợ cũng tăng theo. Lúc đó, phần xuất khẩu nhiều hơn sẽ bù vào phần nợ tăng lên. Vì vậy, trường hợp này dù tỉ giá tăng cũng chưa hẳn đã là rủi ro. Nếu Chính phủ định hướng từ đầu là điều chỉnh tỉ giá để có lợi cho xuất khẩu, ngoại tệ thu về sẽ lớn hơn, nhưng nợ cũng tăng theo.
Số liệu của Bộ Tài chính cho thấy, nợ bảo lãnh tăng theo tổng nợ. Theo ông việc này có đáng lo ngại hay không?
 
Tỉ trọng nợ bảo lãnh không lớn lắm. Nếu đơn vị bảo lãnh không trả được Chính phủ cũng phải có trách nhiệm. Nhưng việc bảo lãnh là khó tránh khỏi. Chính phủ khi muốn đảm bảo uy tín, phải lựa chọn những dự án, những đơn vị được bảo lãnh có uy tín, sản xuất kinh doanh hiệu quả. Nếu chọn những đơn vị và dự án không hiệu quả, gánh nặng nợ lúc này sẽ đổ lên vai chính phủ.
Hiện nay, nợ nước ngoài chiếm tỉ lệ lớn nên có ý kiến cho rằng chúng ta nên vay trong nước. Nhưng đầu tư phát triển hiện chiếm đến trên 40% GDP, trong khi tiết kiệm trong nước chỉ khoảng 30% GDP thì vay trong nước có được không?
 
Tôi nghĩ là rất khó để vay trong nước. Tiết kiệm trong nước chỉ có vậy nên chúng ta phải vay thêm từ nước ngoài. Nếu có vay trong nước, Chính phủ sẽ phải sử dụng nhiều tiền đồng hơn. Lúc đó lượng tiền dành cho nền kinh tế và doanh nghiệp sẽ ít hơn. Lượng tiền trong nền kinh tế ít đi thì chi phí, lãi suất vay vốn sẽ tăng theo. Lúc đó, lãi suất cao, tư nhân không chen chân vào vay được vốn.
Do đó, khi nước ta đang được vay ưu đãi ODA, tỉ giá nếu cố gắng giữ ổn định được, hoặc chỉ điều chỉnh đôi chút, trả nợ bên ngoài, gồm cả trả rủi ro tỉ giá, vẫn rẻ hơn là vay trong nước. Song dù nợ trong nước hay nước ngoài, yếu tố then chốt vẫn là sử dụng vốn có hiệu quả. Nếu không, thất thoát vốn, không có nguồn trả nợ, dù vay ít cũng sẽ vỡ nợ.

Trả lời