Lựa chọn công ty kiểm toán: Ai so bó đũa?

sobodua
Một trong những vấn đề quan trọng trong đại hội cổ đông (ĐHCĐ) là biểu quyết lựa chọn công ty kiểm toán (CTKT). Thế nhưng, vấn đề này thường bị các cổ đông coi thường, dễ dãi cho qua, để rồi sau đó, khi công ty báo cáo từ lãi sang lỗ (hoặc ngược lại) thì lại trách cứ vai trò của CTKT.
sobodua
Sự kiện chênh lệch số liệu chưa từng có của Tổng công ty Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (mã chứng khoán: VCG) trước và sau kiểm toán đã tạo kỷ lục về chỉ số tài chính cơ bản trên thị trường chứng khoán Việt Nam: VCG hiện có P/E vào khoảng 1.636,6 lần với EPS chỉ là 31 đồng/CP. Hay như Công ty cổ phần Bóng đèn Điện Quang (mã chứng khoán: DQC) sau kiểm toán, lợi nhuận giảm 42%… Những tranh cãi, giải trình khá rắc rối nhưng những vụ việc này một lần nữa cho thấy vai trò của các CTKT.
 
Điều 15 và 16 Luật Chứng khoán quy định, báo cáo tài chính năm của các tổ chức chào bán chứng khoán ra công chúng, tổ chức niêm yết, tổ chức kinh doanh chứng khoán… phải được kiểm toán bởi tổ chức kiểm toán được chấp thuận.
 
Tổ chức kiểm toán được chấp thuận là CTKT độc lập thuộc danh mục các CTKT được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận kiểm toán theo điều kiện do Bộ Tài chính quy định. Sở dĩ có quy định này là vì thông tin trên thị trường chứng khoán rất nhạy cảm, tác động lớn đến lợi ích của công chúng nên yêu cầu về tính công khai, minh bạch thông tin của doanh nghiệp là rất cần thiết.
 
Báo cáo tài chính đã kiểm toán là một trong những thông tin quan trọng để nhà đầu tư căn cứ vào đó xem xét hoạt động của doanh nghiệp thông qua tình hình tài chính và kết quả kinh doanh. Báo cáo tài chính được kiểm toán sẽ nâng cao tính minh bạch, công khai của thông tin, cũng như đảm bảo trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan, góp phần quan trọng trong việc lành mạnh hóa môi trường đầu tư.
 
Để kiểm toán được minh bạch, nhà đầu tư và cổ đông phải được quyền chọn CTKT, để báo cáo tài chính đó sẽ nói lên đầy đủ tình hình kinh doanh của doanh nghiệp trong năm đó và nhà đầu tư căn cứ vào đó để quyết định nên giữ hay bán cổ phiếu của doanh nghiệp.
 
Hay đứng làm kiểng?
Không biết có phải do trình độ của cổ đông kém, hay do họ không có thời gian tìm hiểu từng CTKT nên tại các ĐHCĐ, hầu hết các công ty niêm yết, công ty đại chúng đều đưa sẵn một danh sách các CTKT để ĐHCĐ chọn. Chưa thấy một công ty niêm yết nào để cổ đông đề xuất CTKT rồi đưa ra đại hội biểu quyết. Nhiều nhà đầu tư dí dỏm ví việc này giống như một người dẫn bạn bè vào nhà hàng sang trọng và hỏi bạn uống gì cứ kêu thoải mái: trà đá hay nước lọc?
 
Nhiều ĐHCĐ cũng đưa ra một bản danh sách CTKT khá dài, nhưng lại không giới thiệu từng công ty mạnh, yếu như thế nào, uy tín ra sao. Họ chỉ yêu cầu ĐHCĐ biểu quyết ủy quyền cho HĐQT để chọn CTKT. Nếu ĐHCĐ thông qua việc ủy quyền này, như vậy cũng là hợp pháp và cũng không ai thắc mắc.
 
Trong khi đó, các cổ đông là quỹ đầu tư nước ngoài có một yêu cầu là chọn CTKT nước ngoài để bảo đảm tính minh bạch cao. Không phải họ xem thường trình độ kiểm toán của CTKT Việt Nam, mà là họ ngại tính “dễ dãi” hay “nặng tình cảm” của kiểm toán viên với các doanh nghiệp. Do đó, dù biết việc chọn công ty nước ngoài kiểm toán sẽ làm tăng thêm giá trị của báo cáo tài chính, nhưng ít công ty niêm yết dám làm để vừa lòng cổ đông.
 
Điều đáng trách là HĐQT không phân tích cho nhà đầu tư biết vì sao chọn CTKT trong nước. Chẳng hạn, giải thích thêm đây là CTKT có uy tín, nhiều kinh nghiệm kiểm toán trong ngành này, hoặc chi phí có thấp hơn. Thật ra, nếu có tranh cãi về chọn CTKT thì phần thắng cũng thuộc về HĐQT- những cổ đông lớn chiếm tỷ lệ cổ phần cao nhất.
 
Năm 2009, nhà đầu tư không mấy hài lòng về trường hợp CTKT của Gemadept (GMD) khi GMD thông báo điều chỉnh lợi nhuận năm 2008 từ lỗ sang lãi. Theo họ, cổ đông chính là người trả tiền cho kiểm toán, nhưng kiểm toán đã không làm hết trách nhiệm, khiến họ không tiếp cận đầy đủ và chính xác tình hình tài chính doanh nghiệp nên phải bán tháo cố phiếu ở mức giá dưới 20.000 đồng/CP (tháng 2/2009).
 
Tất nhiên, không thể loại trừ việc giảm giá là do tác động của mặt bằng chung, nhưng rõ ràng, sau khi thông tin về việc hạch toán lợi nhuận tại Gemadept Vũng Tàu được công bố lại sau đó, giá cổ phiếu GMD đã tăng khá mạnh, khiến những nhà đầu tư đã bán hết cổ phiếu GMD càng thêm tiếc.
 
Nhà đầu tư hiện nay rất sợ kiểm toán không đánh giá được các yếu tố có thể tác động làm thay đổi lợi nhuận, vì như vậy sẽ gián tiếp tạo cơ hội cho doanh nghiệp “điều khiển” giá cổ phiếu do liên tục công bố lời lỗ thất thường.

Trả lời