Chân thành và thẳng thắn với sếp

chan-thanh-va-thang-than-voi-sep
Nếu mọi người ai cũng được quyền chọn sếp cho mình thì có lẽ mỗi ngày trôi qua là một ngày thú vị. Không chỉ từ sếp, mà chính bản thân mình sẽ “ngộ ra” không ít bài học quý giá, thậm chí ngay cả khi bạn và sếp phải bắt đầu từ những cuộc tranh luận bất phân thắng bại!
chan-thanh-va-thang-than-voi-sep 
Bắt đầu từ cuộc tranh luận nảy lửa
Xuất thân từ chuyên viên PR của Công ty Cát Tiên Sa, sau đó trở thành trưởng phòng marketing cho Khu Du lịch và Giải trí Vinpearl Land, tôi chưa bao giờ nghĩ mình sẽ “đầu quân” cho một công ty chuyên về online, cho đến ngày trở về nhà sau cuộc đối thoại với người đàn ông được giới kinh doanh internet nhắc đến như một biểu tượng trong công cuộc khai phá ngành mới mẻ này tại Việt Nam.
 
Khác với những gì hình dung trước đó, Paul Nguyễn – Tổng giám đốc của Công ty cổ phần VON, đơn vị sở hữu 3 website rất thành công (Kiemviec.com, HRvietnam.com và Timnhanh.com) xuất hiện trước mắt tôi. Một người sếp khá giản dị và thẳng thắn. Sau cuộc tranh luận “nảy lửa” về thị trường online, tôi quyết định gia nhập vào đội ngũ VON và bắt đầu cuộc hành trình mới.
 
Hình ảnh người Việt kiều Mỹ tuổi ngoài 40 quyết định trở về Việt Nam đóng góp cho sự phát triển kinh tế chung của đất nước đã làm người trẻ như tôi phải ngẫm lại mình. Câu hỏi lớn nhất và cũng là bài toán khó mà cả tôi và vị sếp mới đều đam mê đi tìm giải đáp, đó chính là làm sao để phục vụ tốt hơn cho user cũng như phát triển mạnh mẽ hơn nữa thị trường online tại Việt Nam.
 
Bắt tay vào một công việc chưa nhiều kinh nghiệm, tôi “đụng độ” trước các khái niệm chuyên ngành mà chưa bao giờ biết đến. Những khái niệm đó vừa thú vị vừa “gây khó” cho tôi nhưng chính sếp đã hướng dẫn, chỉ đường để tôi có thể tự tìm kiếm thông tin và trau dồi thêm cho mình. Mỗi lần tham gia các cuộc họp, thảo luận với đồng nghiệp, nhìn đi nhìn lại toàn là nam, chỉ mỗi mình là nữ, tôi bắt đầu thấy mê nghề cũng như “thấm nhuần” các khái niệm về kỹ thuật.
 
Mấy tháng sau trong một lần trò chuyện với sếp, tôi nói nửa đùa nửa thật: “Đến bây giờ em mới thấy để ra đời một trang web, từ việc thiết kế layout, code, kiểm tra sản phẩm, vận hành nội dung… cho đến việc thu được lợi nhuận từ quảng cáo cho khách hàng là một công trình lớn của cả tập thể, không ngọt ngào chút nào”.
 
Nung nấu từ mong muốn mang đến cho user Việt Nam một sản phẩm mạng xã hội (social network) thuần Việt nhằm chứng minh “người Việt có thể làm ra những sản phẩm ngang tầm thế giới”, tôi đã chứng kiến những tháng ngày lao động hết sức nghiêm túc và cật lực của Paul cũng như các đồng nghiệp.
 
Sau gần một năm bắt tay nghiên cứu và sáng tạo, mạng xã hội made in VN Yume.vn chính thức ra mắt thị trường vào tháng 9/2008 với sự đón nhận khá nồng nhiệt của cộng đồng mạng cũng như của giới quảng cáo trực tuyến. Lần đầu tiên trên thị trường Việt Nam, xuất hiện một mạng xã hội mà khả năng của nó có thể sánh ngang với Facebook, Myspace của thế giới.
 
Còn nhớ sau khi Yume chính thức online, sếp đã nói với chúng tôi rằng: “Những gì mà chúng ta đã lao động nghiêm túc và cố gắng hết sức mình, chắc chắn sẽ được thị trường đón nhận và đó chính là phần thưởng lớn nhất dành cho những người dám đi tiên phong”.
 
Học ở sếp tính gan lì, không ngại khó cũng như khả năng điều phối, quản lý công việc một cách bài bản và khoa học, tôi dần “lây” những ưu điểm đó. Sếp vẫn thường tâm sự với tôi cùng các manager khác: “Nếu chúng ta không biết quí trọng thời gian thì khi cơ hội đi qua sẽ không bao giờ trở lại, nhất là trong thị trường online, quy luật này càng khắc nghiệt”. Chính vì thế, khi làm bất cứ việc gì, tôi luôn đặt mục tiêu rõ ràng, kế hoạch chu đáo và thực hiện thành công.
 
Sếp vẫn hay “thách thức”: “Người làm marketing giỏi là người triển khai các chương trình một cách tốt nhất với chi phí thấp nhất”. Chính câu nói này, tôi và các nhân viên phải tìm “chiêu” để có thể phát triển hoạt động kinh doanh của công ty. Nhiều khi cả phòng thức mấy ngày đêm để lên chiến lược, mặt mày hớn hở trình với sếp thì sếp lại bác ngang không thương tiếc làm cả “sếp nhỏ” lẫn lính đều méo xệch. Nhưng sau đó, tinh thần chiến đấu lại được lên dây cót vì chỉ cần thuyết phục được sếp thì chắc chắn kế hoạch đó đã khả thi trên thị trường đến 30%. 70% còn lại là kỹ năng triển khai cũng như phụ thuộc vào yếu tố thị trường.
 
Cuộc sống luôn có những điều bất ngờ, không sắp đặt nhưng tôi vẫn tin rằng mỗi người vẫn có thể chọn lấy cho mình một hướng đi, nhất là trên con đường sự nghiệp. Chỉ cần xác định được mục tiêu cuộc đời mình thì từng bước sẽ đạt được nó. Giống như việc mỗi ngày được học hỏi và làm việc với người sếp mà mình quý trọng, không chỉ giúp mình trưởng thành mà còn đào tạo những lớp nhân viên có thể làm chủ được mục tiêu nghề nghiệp của mình. Và đó chính là điều người quản lý luôn mong muốn.
 
Tôi luôn tự hỏi mỗi ngày, hôm nay mình sẽ làm gì và một năm nữa, mình làm được gì? Tôi tin rằng, câu trả lời sẽ nằm trong mỗi người và điều đơn giản, hãy làm cho sự hợp tác của bạn và sếp như những người bạn: chân thành và thẳng thắn, thậm chí nếu cần phải tranh luận thì… “có sao đâu”!
 
Theo doanhnhansaigon

Trả lời