CEO – Quyền uy và quyền lực

-ceo-quyen-uy-va-quyen-luc
Theo Chủ tịch kiêm Giám đốc Công ty Tư vấn và Hỗ trợ Chiến lược Win-Win, mỗi CEO luôn hàm chứa trong bản thân mình những điểm mạnh và những điểm yếu. “Nhân vô thập toàn”. Tuy nhiên, có những điểm yếu ảnh hưởng lớn và trực tiếp vào công việc của mình, thì CEO phải tìm cách khắc phục và hạn chế ở mức tối thiểu, vì doanh nghiệp chỉ trải thảm đỏ đón CEO giỏi, chứ không phải trải thảm đỏ đón tất cả CEO.
 -ceo-quyen-uy-va-quyen-luc
Hai câu chuyện – một thực trạng
Bà Phạm Thị Phương Liên, chủ Công ty Thanh Dũng, kể lại một câu chuyện như sau: “Vợ chồng tôi muốn thay đổi mô hình quản lý, từng bước tiến tới chuyên nghiệp hóa trong quản lý và lãnh đạo, tôi tuyển một người học rất bài bản từ nước ngoài, trả lương rất cao. Lúc đầu gặp tôi, anh nói rất hay, làm tôi mừng thầm.
Khi bắt tay vào làm việc, gần một tuần, anh chẳng hề báo cáo với tôi một điều gì ngoài việc chê cái này, cái kia. Cứ đến công ty, anh vào trong phòng và đóng cửa lại. Sau một tháng, tôi chẳng thấy anh nói gì cả và công ty chẳng thay đổi gì cả. Tôi quyết định nhẫn nại để chờ đợi kết quả.
“Sai lầm của nhiều CEO là quản lý bằng quyền lực. Trong quản lý, chỉ có trách nhiệm chứ không có quyền lực”.
Một lần, mọi người đều bận đi giao hàng cho đúng hẹn với khách hàng, công ty không còn ai, tôi phải trực tiếp làm một số công việc của nhân viên. Anh đi ra ngoài gặp tôi và nói: “Đây không phải là công việc của chị, chị nên thực hiện đúng chức năng và nhiệm vụ của mình”. Là chủ doanh nghiệp, làm sao tôi có thể an tâm ngồi trong phòng được, mà vào phòng để làm công việc gì. Kiên trì, đợi thêm một tháng nữa, không thấy anh báo cáo một kết quả gì, tôi đành mời anh vào phòng và hỏi, anh trả lời là đang nghiên cứu một hướng đi mới cho doanh nghiệp.
 
Tôi hỏi tiếp: “Thời gian bao lâu thì tìm ra hướng đi mới?”, anh trả lời: “6 tháng”.
Một câu chuyện nữa, Công ty Tân Đại Phát tuyển một CEO đang làm việc ở công ty nước ngoài. Làm việc được một tháng, anh đưa ra một kế hoạch quảng cáo với một số tiền quá lớn và chủ doanh nghiệp không biết cách nào để có số tiền đó. Một công ty gia đình, đi từ một cơ sở nhỏ, làm sao đủ tiền để chi cho việc quảng cáo như vậy? Kế hoạch này chỉ phù hợp với các công ty nước ngoài. Tại sao khi xây dựng một kế hoạch cho doanh nghiệp mà không biết được thực lực tài chính của doanh nghiệp?
 
Quyền uy chứ không phải quyền lực
Các CEO Việt Nam chưa phân định rạch ròi giữa hai yếu tố – nguyên tắc hành nghề này. Để việc trải thảm đỏ có hiệu quả, đầu tư sinh lợi, doanh nghiệp phải trao cho CEO một “cái quyền” nhất định. Đó là nguyên tắc quản lý. Tuy nhiên, trên thực tế ở các doanh nghiệp hiện nay, CEO dùng quyền này như “bảo kiếm” được truyền lại từ phía doanh nghiệp, chứ chưa thật sự xem đó là quyền uy (dựa trên năng lực thật sự và nhân cách của mình – tâm và tầm). Cách nhìn chưa phù hợp này đã đưa đến những hành động không đúng trong quá trình quản lý doanh nghiệp và đã tạo ra nhiều nhược điểm trong việc điều hành doanh nghiệp.
 
Chìa khóa của CEO hiện đại là quản lý và lãnh đạo doanh nghiệp dựa trên quyền uy, chứ không phải dựa trên quyền lực. Quản lý chỉ có trách nhiệm, không có quyền hạn. CEO được doanh nghiệp mời vào phải đặt trên vai mình một trách nhiệm, một trọng trách chứ không phải là chức vụ và quyền của giám đốc điều hành. Khi tạo ra được kết quả tốt, nghĩa là đầu tư sinh lợi thì doanh nghiệp nào mà không muốn đầu tư tiếp. Nếu gặp doanh nghiệp nào thiếu chữ “tâm”, sẽ có doanh nghiệp khác trải thảm đỏ.
 
Lớp CEO trẻ Việt Nam ngày nay có điều kiện học tập, tiếp nhận tinh hoa của thế giới là điều rất quý. Tuy nhiên, theo cá nhân tôi, học ở trường, ở lớp, ở thầy cô giáo là rất quan trọng, nhưng quyết định thắng bại trên thương trường phụ thuộc vào tài năng vận dụng những gì đã học vào giải quyết một vấn đề thực tiễn. Chỉ có óc thực tiễn, tài năng biết vận dụng linh hoạt, sáng tạo từ những điều đã học, áp dụng những kinh nghiệm đã tiếp thu vào đúng chỗ, đúng lúc, đúng thời cơ, đúng hoàn cảnh, mới giúp CEO chiến thắng trong cuộc chạy đua đường dài.
Theo Thạc sĩ Đỗ Thanh Năm

Trả lời