Dùng con để dụ chồng

Vợ không cần phải gọi điện hỏi chồng đi đâu, làm gì. Chỉ cần vợ bảo con gái gọi là y như rằng 15 phút sau chồng có mặt ở nhà. Ba đang ở đâu đấy. Ba nhanh về với con đi. Con đau bụng và nhớ ba lắm. Con chờ ba về mới ăn cơm. Nghe tiếng nỉ non của con gái qua điện thoại, anh Phong vội hủy cuộc hẹn với bạn và chạy về nhà. Trong khi đó ở nhà, chị Minh vợ anh sung sướng hôn lên má con: “Con giỏi lắm. Chỉ có con mới kéo được ba về nhà nhanh nhất thôi. Ráng nghe lời, mẹ sẽ thưởng nhé!”. Nói rồi chị chạy vào nhà, lấy kẹo thưởng cho con vì đã lừa được ba.

Từ đó, bất cứ khi nào muốn chồng làm gì, chị đều dạy con gái nói và bảo bé nói lại với ba.

Lý lẽ của phụ nữ

Rất nhiều phụ nữ suy nghĩ và giải quyết vấn đề đều như chị Minh. Điều đó bắt nguồn từ mong muốn được chồng quan tâm, và cùng mình chung tay xây dựng tổ ấm.

Khác với phụ nữ, đàn ông thường có nhiều niềm vui khác ngoài gia đình. Một số người còn có những tật xấu khó bỏ như hút thuốc lá, sống bừa bãi… khiến cả nhà khó chịu. Khi nhắc chồng mãi không được, nhiều bà vợ lấy con cái làm áp lực. Vì sao phụ nữ phải dùng chiêu này?

Lý do ở chỗ, người cha nào cũng yêu chiều con cái. Hơn nữa đàn ông được coi là trụ cột của gia đình, chỗ dựa của vợ con. Họ luôn cố gắng làm gương tốt và hoàn thiện bản thân cho con trẻ noi theo. Lời nhắc nhở của con sẽ chạm đến tự ái và trách nhiệm làm cha của các quý ông. Vì thế, khi con yêu cầu, dù muốn hay không, các ông bố cũng phải cố gắng làm. Với cách này, các bà vợ có thể điều khiển chồng một cách gián tiếp mà không bị mang tiếng cằn nhằn, khó chịu. Tuy nhiên về lâu dài, cách này có hiệu quả?

Khi con trẻ ở giữa hai trái tuyến

Trên thực tế, vấn đề gì cũng có hai mặt của nó. Nếu chồng bạn có thói quen xấu như mê cờ bạc, uống rượu bia và hút thuốc lá, bạn có thể nhờ con góp ý với bố. Dù vậy, bạn đừng áp đặt lời nói cho bé. Bạn nên cho bé xem các chương trình ti-vi, sách báo để bé hiểu hút thuốc lá, uống rượu bia không tốt cho sức khỏe. Khi thấy bố có thói quen không tốt, trẻ sẽ tự đưa ra lời khuyên mà không cần mẹ nhắc nhở.
Tuy nhiên, nếu bạn không kiểm soát được giới hạn trong việc dùng con xử chồng, cách làm này có thể gây ra nhiều điều tai hại.

Chị Phạm Thị Thúy, giảng viên Học viện Hành Chính TP. HCM, có hơn mười năm làm tham vấn tâm lý, không đồng ý cách này. Theo chị: “Cách dùng con xử chồng không có lợi cho cả bố lẫn con. Khi được mẹ dạy cách “xử” bố, trẻ sẽ nghĩ bố luôn sai và dần thiếu tôn trọng bố. Lâu dần, trẻ sẽ học tính soi mói người khác, thậm chí trở nên kiêu ngạo, nghĩ là mình đúng, người lớn sai. Mặt khác, nếu con cứ nhắc nhở bố, bố làm sao còn uy tín để dạy con? Đây là một nguyên nhân khiến trẻ trở nên ngang bướng, không nghe lời dạy bảo của người lớn”.

Đối với trường hợp của chị Minh, việc chị dạy con nói dối đau bụng để lừa chồng sẽ ảnh hưởng xấu đến trẻ. Nếu được chính người sinh thành dạy cách nói dối, trẻ sẽ khó sống trung thực về sau.

Bên cạnh đó, xét về lâu dài, cách này sẽ không có hiệu quả. Sau vài lần, các ông bố sẽ nhận ra con chỉ là phát ngôn viên của vợ. Khi ấy, người bố sẽ không còn tin lời con và cảm thấy bị xúc phạm vì vợ không tôn trọng mình. Họ cảm thấy cô lập ngay trong gia đình và không còn muốn vun vén cho tổ ấm đó nữa.

Anh Lê Minh Công, Trung tâm Tâm lý học ứng dụng Sông Phố, cũng cho rằng: “Vợ chồng dùng con cái để chuyển thông tin cho nhau sẽ gây nhiều tiêu cực. Một điều không tránh khỏi là vợ chồng ít giao tiếp hơn. Vì lẽ đó, họ cũng khó có sự thấu hiểu và thông cảm cho nhau”. Đây cũng là một nguyên nhân đe dọa hạnh phúc gia đình.

Người cha có thể sửa đổi khuyết điểm về con. Tuy nhiên, bạn đừng nên lạm dụng, phải suy nghĩ việc nào cần trực tiếp trao đổi với chồng. Như thế, bạn vẫn đạt được mong muốn mà không làm tổn thương người khác.

Theo_Tiếp Thị & Gia Đình

Trả lời