Bổ sung dinh dưỡng không đúng cách cũng gây ra bệnh

mgd496
Trong xã hội hiện đại, không ít người do công việc bận rộn nên không có nhiều thời gian dành cho việc chuẩn bị bữa ăn. Ở họ, các thức ăn nhanh, các thực phẩm tinh chế, ít chất xơ, nhiều đồ ngọt là lựa chọn tối ưu. Không những thế, bữa ăn của họ cũng thất thường, không ổn định về giờ giấc cũng như khối lượng thức ăn. Chế độ ăn uống như vậy tuy rất thuận tiện cho công việc, không làm mất nhiều thời gian, nhưng lại làm tăng gánh nặng cho tụy. Nếu sai lầm này lặp lại nhiều lần và trở thành thói quen, sẽ dần khiến chức năng tụy bị suy, từ đó sinh bệnh đái tháo đường.
mgd496
Các thầy thuốc chuyên khoa nội tiết cho biết, đái tháo đường là một bệnh rối loạn chuyển hóa đường, gây tăng đường huyết mạn tính, kéo theo rối loạn chuyển hóa lipit, protit và điện giải do thiếu insulin tương đối hay tuyệt đối của tuyến tụy. Bệnh gây các biến chứng nguy hiểm ở phủ tạng, đặc biệt là mắt, thần kinh, thận, tim mạch và có thể tử vong nếu không điều trị kịp thời. Có đến 80% người mắc bệnh đái tháo đường tuyp 2 là những người thừa cân, béo phì.
 
Nhiều người cho rằng ăn nhiều thịt và các chất dầu mỡ mới bị béo phì. Đó là quan niệm phiến diện. Khoa học và thực tế đều chứng minh, ăn nhiều thịt và các chất dầu mỡ, hoặc ăn nhiều cơm và các loại thực phẩm giàu tinh bột, dùng nhiều bánh kẹo và đồ ngọt cũng gây béo phì.
 
Trong các nguyên nhân gây béo phì, người ta nhận thấy khoảng 70% trường hợp là do dinh dưỡng, phần còn lại là do các rối loạn chuyển hóa trong cơ thể, cụ thể là vai trò của các tuyến nội tiết và hệ thần kinh. Khi sử dụng khẩu phần ăn có giá trị năng lượng cao hơn số năng lượng mà cơ thể cần tiêu hao cho các hoạt động thì năng lượng dư thừa sẽ được cơ thể chuyển sang tích trữ dưới dạng mỡ, gây béo phì.
 
Rối loạn mỡ máu là một bệnh chuyển hóa liên quan chặt chẽ tới béo phì, do cơ thể được cung cấp năng lượng quá thừa, gây tích tụ mỡ, sử dụng nhiều axit béo no (các loại thịt, các loại mỡ động vật), ăn ít chất xơ, ít các chất chống oxy hóa chứa trong rau và quả chín, ít các loại axit béo không no trong các loại mỡ cá, dầu cá, các loại dầu thực vật. Chế độ ăn có hàm lượng cao các axit béo no (đã bão hòa) và axit béo thể trans có nhiều trong mỡ và sữa động vật ăn cỏ, sẽ làm tăng nguy cơ tăng cholesterol máu, dễ mắc bệnh mạch vành và xơ vữa động mạnh.
 
Bệnh gút được xác định là do lắng đọng các tinh thể axit uric hoặc urat, gây viêm khớp. Bệnh là hậu quả của tăng axit uric máu, một sản phẩm chuyển hóa cuối cùng của các nhân purin. Việc sử dụng lượng thức ăn chứa quá nhiều nhân purin khiến cơ thể không kịp đào thải (2/3 đào thải qua thận, 1/3 qua đường tiêu hóa) làm tăng axit uric trong máu và gây bệnh gút.
 
Do đó, để phong bệnh gút, cần duy trì chế độ ăn có lượng đạm vừa phải, nên ăn đạm thực vật từ cá, tôm, tép… đồng thời hạn chế các thực phẩm chứa nhiều nhân purin.Như vậy, có thể khẳng định rằng, chế độ ăn cân đối là biện pháp hữu hiệu để ngăn ngừa các bệnh chuyển hóa. Vì vậy, mọi người cần có chế độ dinh dưỡng hợp lý, nên ăn nhiều rau củ quả và kết hợp với việc rèn luyện cơ thể để tiêu hoa lượng mỡ thừa hằng ngày.
Theo – afamily.vn

Trả lời