Ngăn ngừa con lớn bắt nạt con nhỏ

mgd514
Đa số trẻ đều rất yêu em nhưng đôi khi chúng cũng tỏ thái độ ghen tỵ vì sợ mất đi sự quan tâm của bố mẹ. Đây là dạng tâm lý trẻ thơ mà các bậc phụ huynh nên chuẩn bị chu đáo để bé không rơi vào trạng thái hụt hẫng, có cảm giác bị bỏ rơi. Dưới đây là một số gợi ý:
 
Làm công tác tư tưởng
Trước khi em bé chào đời, bố mẹ nên tỉ tê với con về việc gia đình chuẩn bị đón thành viên mới, có thể chơi cùng con. Sau khi em bé về nhà, đứa lớn bắt đầu suy nghĩ “Mẹ đang đùa đấy à? Em bé yếu ớt, oặt ẹo, mặt đỏ thế kia chiếm hết thời gian và sự chú ý của mẹ rồi, như vậy mà là vui á?” Vì thế trẻ liền “chơi xấu” vài chiêu chúng biết, chẳng hạn như cấu véo, tung chăn, ném đồ chơi… khiến mẹ nổi nóng. Thậm chí đôi khi trẻ cưng nựng em nhưng vẫn bị mẹ nhắc nhở: “Phải cẩn thận đấy!” nên trẻ đâm ra hoang mang, nhầm lẫn, từ đó ghen tỵ và ghét bỏ em – kẻ phá đám.
Dạy anh/chị cách vỗ về em nhỏ
mgd514
Trước tiên bạn nên chia sẻ cùng con cách bảo vệ em. Tiếp theo là chỉ dạy con cách cư xử thân thiện với bé nhỏ sao cho phù hợp như vui chơi, trò chuyện yêu thương, nhường nhịn. Để đạt được mục đích, chính bố mẹ phải chủ động mô tả, giải thích, hướng dẫn và khích lệ. Đặc biệt, đối với trẻ 3, 4 tuổi, cần hạn chế để chúng trông em một mình. Đừng quên khen ngợi trẻ khi chúng hoàn thành nhiệm vụ xuất sắc. Khi thấy đứa lớn cưng nựng em bé, bố mẹ nên khen ngợi để con hiểu tầm quan trọng của anh/chị. Đồng thời, cũng nên ôm hôn bé lớn và nói bạn rất tự hào về hành động của con.
 
Xử lý nhanh nhẹn
Khi đứa lớn bắt nạt đánh đứa bé, bạn phải xử lý linh hoạt, tuyên bố dứt khoát: “Không được đánh nhau”. Đặt đứa lớn ngồi im trên ghế, phân tích, uốn nắn thêm để bé nhận thấy việc làm của mình là hoàn toàn sai. Không nhất thiết phải trừng phạt trẻ, chỉ cần kiên quyết nhấn mạnh rằng: “Lần sau không được tái phạm, nếu không mẹ sẽ phạt con”.
 
Hướng dẫn cụ thể
Trẻ bắt chước nhanh những điều chúng thấy. Khi đứa lớn quan sát hành vi, cử chỉ của mẹ, nó sẽ học theo. Do đó, với tư cách là “kim chỉ nam” bạn nên trình diễn hành động rõ ràng, mạch lạc, dễ hiểu để trẻ nhanh tiếp thu và nhớ lâu.
 
Cẩn trọng lời nói
Không nên buộc tội hay đổ lỗi cho trẻ, mà nên lựa chọn ngôn ngữ để bé không bị tổn thương. Thay vì thẳng thắn: “Lúc này chưa đi chơi được đâu vì em còn đang ngủ” hay “Im lặng nào, không em thức đấy” thì bạn nên nhỏ nhẹ: “Cục cưng, giờ mẹ bận rồi” hay “Mẹ con mình đi chơi sau giờ cơm trưa nhé!” Như thế, bé lớn mới cảm thông và hiểu cho tình huống của mẹ, chứ không phải mẹ làm tất cả vì em.
 
Luôn quan tâm, hỗ trợ con
Bạn nên suy nghĩ về cảm giác khó nói của con khi “Mọi thứ hoàn toàn thay đổi khi em bé về nhà. Em bé chiếm hết tình yêu cũng như vật chất bố mẹ dành cho mình”. Vì thế, hãy thương yêu, vuốt ve, chơi đùa với đứa lớn nhiều hơn mỗi khi có thời gian rảnh. Tuyệt đối không ra đòn phủ đầu: “Mẹ biết con ghét em nhiều lắm!” hay “Con đang mong đi chơi bây giờ và không muốn đợi em bé thức dậy chứ gì!” như thế bé sẽ thấy bố mẹ đoán được cảm xúc của chúng, chúng sẽ càng quyết tâm “đấu” với em để giành sự quan tâm của bố mẹ. Để bé không thấy thua thiệt và có cảm giác bị bố mẹ “bỏ rơi,” bạn nên thường xuyên vỗ về, tăng cường độ ôm hôn, thể hiện tình thương đối với con lớn.
 
Cho đứa lớn vào cuộc chơi chính
Dạy con chơi cùng em là điều vô cùng quan trọng. Hãy để bé lớn là nhân vật chính trong việc giúp em thích nghi với môi trường trẻ thơ bằng các đồ chơi hoặc cho phép anh/chị tặng và mở quà cho em, sau đó tự chụp ảnh bé nhỏ. Cũng có khi bạn nên dạy bé lớn cách xỏ tất, đi giày hay mặc quần áo cho em hoặc chuẩn bị bột để mẹ pha sữa và đừng quên khen ngợi, khích lệ bé.
 
Đối xử công bằng
Đó là cách để hai anh/chị em không tỵ nạnh nhau. Ngoài ra, bạn cũng không nên so sánh khi có sự hiện diện của đứa lớn về cân nặng, chiều cao, ngoại hình, hay về cách bò, đứng, đi, ngồi và thậm chí cả chuyện tóc tai, bé nào nhiều hơn. Cái đầu non nớt của bé sẽ tự hiểu là người lớn chỉ trích, bình luận về chúng. Trong trường hợp hai anh em chuẩn bị gây hấn, hãy bế đứa bé lên và yêu cầu bé lớn hát hò, nhảy múa hoặc làm phân tâm trẻ bằng một đồ chơi, hoạt động hay bánh snack để bé dần quên, bởi đôi khi phản xạ bảo vệ em bé của bố mẹ lại khiến đứa lớn cay cú, ghen tỵ, trở nên hung hăng, hiếu chiến và tức tưởi hơn.
Theo – PNO

Trả lời