Doanh nghiệp “khát” lãi suất thấp

images639267 lsuat
Lãi suất thấp vẫn là mơ ước của các doanh nghiệp thực hiện các chiến lược kinh doanh trong năm mới. Việc Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình khẳng định không áp trần lãi suất cho vay chung đã làm buồn lòng nhiều doanh nghiệp.
images639267 lsuat
 
Một số chuyên gia kiến nghị nên bỏ ngỏ lãi suất đầu vào, áp trần lãi suất đầu ra để có môi trường cạnh tranh sòng phẳng giữa các ngân hàng và doanh nghiệp. Trước đây, lãi suất đầu vào đã giảm xuống còn 9%/năm, nhưng các doanh nghiệp vẫn chịu mức lại suất từ 13 – 17%/năm, thậm chí còn cao hơn. Giờ lãi suất huy động 8%/năm, DN chưa chắc đã vay được ở mức thấp hơn. Việc NHNN không áp trần lãi suất đầu ra đã làm DN mất đi nhiều cơ hội làm ăn, khó mở rộng sản xuất kinh doanh.
 
Huy động rẻ, cho vay cao
 
Trong khi đó, các ngân hàng (NH) lại mặc sức tung hoành, huy động cực rẻ, cho vay vẫn cao ngất ngưởng từ 11% cho tới 17%. Tuy nhiên, DN nào muốn vay được vốn rẻ thì phải “lại quả” hoặc phải có mối thâm tình đặc biệt khác. Giám đốc một công ty thực phẩm cho biết, vừa ký hợp đồng đáo hạn khoản vay ngắn hạn, lãi suất có giảm nhẹ nhưng vẫn còn rất cao.
 
Trong bối cảnh DN nào cũng tồn kho nhiều, muốn bán nhanh để quay vòng vốn, nhưng lãi suất cao là một lực cản đối với việc tái đầu tư của DN. Vấn đề lớn nhất các ngân hàng thương mại đưa ra những điều kiện cho vay khắt khe hơn, DN đã hết tài sản thế chấp hoặc nếu có thì bị định giá tài sản rất thấp để ngân hàng hạn chế rủi ro về mình.
 
Một số chuyên gia nhận định nên áp trần lãi suất cho vay thay vì áp trần lãi suất huy động. Bởi các ngân hàng thương mại hoạt động không hiệu quả, vẫn xé rào lãi suất huy động nhưng không xử lý được. Vì vậy, NHNH nói không cần áp trần lãi suất cho vay, sợ tiền lại chảy vào bất động sản, chứng khoán là không công bằng.
 
Theo chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành thì trách nhiệm của NHNN là phải xác lập được mức lãi suất hợp lý, có những quy định để vốn chảy vào lĩnh vực ưu tiên, điều tiết lưu lượng tiền tệ cho kinh tế phát triển bền vững để ổn định kinh tế vĩ mô chứ không phải là đứng ở cương vị ngân hàng thương mại để cân đối giữa việc huy động và cho vay.
 
Trước đây, vấn đề bức bách đối với các DN là bị siết chặt tín dụng để kiềm chế lạm phát. Nền kinh tế chịu nhiều tổn thất nặng nề do hệ thống ngân hàng đẩy lãi suất lên quá cao. Giờ đây, mong muốn lớn nhất của các DN là cần xác lập một mức lãi suất hợp lý để hoạt động hiệu quả.
 
Các DN cho rằng mức lãi suất hợp lý nên ở mức khoảng 10% chứ cao hơn thì không thể phát triển tốt. Chỉ có lãi suất hợp lý mới tạo điều kiện cho DN phát triển và việc cho vay phải được đầu tư đúng mục đích sản xuất kinh doanh mới đem lại hiệu quả thiết thực.
 
Theo chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành, để làm được điều đó, NHNN cần thực hiện việc cung cấp vốn cho ngân hàng thương mại vay với lãi suất từ 2% đến 4%/năm. Lúc đó, mặt bằng lãi suất sẽ xuống thấp, các NHTM sẽ cho vay và thu hồi sẽ trả lại tiền cho NHNN. Việc cung ứng đầy đủ nguồn vốn đầu tư cho nền kinh tế phát triển bền vững nhưng vẫn không tạo ra lạm phát, không để xảy ra thiểu phát.
 
Lãi suất khó dự đoán
 
Một số ngân hàng nước ngoài cũng nhận định, chính sách tiền tệ sẽ tiếp tục nới rộng để khởi động cho sự phát triển của năm 2013. Tuy nhiên, việc nới rộng tới mức nào thì vẫn phải quay về với bài toán lạm phát.
 
Ngân hàng HSBC Việt Nam phân tích: “Áp lực lạm phát đang trên đà tăng theo mùa vụ ở Việt Nam. Nửa đầu năm 2013, Việt Nam sẽ đối mặt với tình hình lạm phát không mấy thuận lợi, đặc biệt là từ tháng 2 đến tháng 7. Điều này có nghĩa rằng lạm phát toàn phần năm 2013 có thể tăng cao hơn mức dự kiến trung bình 11% nếu như giá dầu tăng, tác động bất lợi đến các nguồn hàng thiết yếu phục vụ đời sống”.
 
Ngoài ra, một yếu tố có thể tác động khá lớn đến lạm phát là giá điện sẽ quyết định giá đầu vào nguyên liệu và giá thành sản xuất, dịch vụ nền kinh tế khi vừa điều chỉnh tăng 5% vào cuối tháng 12/2012. Dự kiến năm 2013, giá điện có thể còn điều chỉnh tăng thêm 4 lần nữa và như vậy sẽ tác động mạnh đến chỉ số CPI.
 
Lạm phát cũng sẽ nhanh hơn, nên chắc chắn việc điều hành chính sách tiền tệ mở rộng cũng sẽ gặp nhiều khó khăn. Một sự cẩn trọng và linh hoạt là cần thiết để kiềm chế lạm phát và theo đó, dù lãi suất cơ bản đang ở mức 8%, cũng sẽ khó có cơ sở để giảm sâu hoặc tăng nhanh trở lại theo đà tăng/giảm của lạm phát.
 
Các chuyên gia của ngân hàng ANZ cho rằng rất có thể NHNN sẽ giữ nguyên mức lãi suất đã được điều chỉnh còn 8% cho lãi suất tiết kiệm và 12 – 13% cho lãi vay sản xuất ở một số nhóm ngành, đến hết quý I/2013.
 
Tuy nhiên, một số chuyên gia lại nhận định, với mục tiêu vực dậy thị trường, góp phần giảm trừ tỉ lệ nợ xấu xuống thấp, cộng thêm yếu tố lạm phát đang có dư địa nới lỏng, NHNN tiếp tục hạ lãi suất huy động xuống ít nhất 1% nữa. Số khác lại thận trọng khi nói lãi suất không biết sẽ tăng hay giảm, bởi điều đó phụ thuộc vào chính sách điều hành của Chính phủ và NHNN.
 
Theo thời báo kinh doanh

Trả lời