Quản lý, xử lý rủi ro đối với nợ công

giam
Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quy chế quản lý và xử lý rủi ro đối với danh mục nợ công, bao gồm: phát hiện, đánh giá mức độ rủi ro, xử lý rủi ro và trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc quản lý và xử lý rủi ro đối với danh mục nợ công.
giam
 
Mục tiêu quản lý rủi ro đối với danh mục nợ công là nhằm tối ưu hóa cơ cấu nợ công, đảm bảo nghĩa vụ trả nợ và nâng cao hiệu quả hoạt động công tác quản lý nợ công. Qua đó, đảm bảo không làm tăng nghĩa vụ nợ công đã được xử lý so với khoản nợ ban đầu. Đồng thời, giảm thiểu những thiệt hại có thể xảy ra trong tình huống xấu nhất với chi phí phát sinh hợp lý.
 
Nguyên tắc xử lý rủi ro chỉ áp dụng cho các nguyên nhân khách quan. Các khoản nợ công bị rủi ro do các nguyên nhân chủ quan thì tổ chức, cá nhân gây ra tổn thất phải chịu trách nhiệm xử lý và bồi thường theo quy định của pháp luật. Việc phòng ngừa và xử lý rủi ro phải căn cứ vào thỏa thuận vay hoặc công cụ nợ gốc trong danh mục nợ công. Các nguyên nhân phát sinh rủi ro, phù hợp với quy định pháp luật Việt Nam và thông lệ quốc tế.
 
Các loại rủi ro được quy định bao gồm: Rủi ro thị trường, rủi ro thanh khoản, rủi ro tín dụng, rủi ro hoạt động. Công cụ tài chính để xử lý rủi ro đối với danh mục nợ công gồm: Các giao dịch phái sinh, như quyền chọn và hoán đổi; các nghiệp vụ tái cơ cấu nợ, gia hạn nợ, khoanh nợ, xóa nợ, đảo nợ, hoán đổi nợ và mua lại nợ.
 
Trong đó, rủi ro thị trường đối với danh mục nợ công liên quan đến lãi suất và tỷ giá hối đoái. Việc xử lý rủi ro thị trường được thực hiện thông qua nghiệp vụ chủ yếu về giao dịch phái sinh lãi suất và tiền tệ. Cơ quan xử lý rủi ro được trích lập dự phòng để xử lý rủi ro thị trường theo quy định.
 
Về việc xử lý rủi ro thanh khoản, các nghiệp vụ được sử dụng như đảo nợ, hoán đổi nợ và mua lại nợ. Theo đó, điều kiện để thực hiện nghiệp vụ xử lý rủi ro thanh khoản sẽ áp dụng đối với các khoản vay thương mại và trái phiếu; đảm bảo chỉ tiêu giới hạn nợ công đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt trong từng giai đoạn.
 
Còn việc xử lý rủi ro tín dụng phải đáp ứng ít nhất một trong các điều kiện chủ yếu: Chương trình, dự án đầu tư thuộc phạm vi được vay vốn theo quy định, đã sử dụng vốn vay đúng mục đích; người vay lại, người được bảo lãnh bị thiệt hại do nguyên nhân khách quan làm mất một phần hoặc toàn bộ vốn, tài sản. Người được bảo lãnh gặp khó khăn về tài chính dẫn đến chưa có khả năng trả được nợ hoặc không trả được nợ.
 
Cho nên, việc phân loại nợ có rủi ro tín dụng cũng được chia thành 5 nhóm sau: Nhóm 1 nợ đủ tiêu chuẩn: Gồm nợ trong hạn và được đánh giá là có khả năng thu hồi đầy đủ cả gốc và nợ lãi đúng hạn. Nhóm 2, nợ cần chú ý: Gồm các khoản nợ có quá hạn phát sinh đến dưới 90 ngày.
 
Nhóm 3, nợ dưới tiêu chuẩn: Gồm các khoản nợ có nợ quá hạn từ 90 ngày đến dưới 180 ngày; nợ đã gia hạn 1 lần; nợ được miễn hoặc giảm lãi nhưng người vay lại, người được bảo lãnh không thực hiện đúng và đầy đủ theo cam kết trong Hợp đồng. Nhóm 4, nợ nghi ngờ: Gồm các khoản nợ có nợ quá hạn từ 180 ngày đến 360 ngày; nợ đã được điều chỉnh lại kỳ hạn trả nợ lần đầu tiếp tục phát sinh nợ quá hạn và phải cơ cấu lại kỳ hạn trả nợ lần thứ hai. Nhóm 5, nợ có khả năng mất vốn: Gồm nợ quá hạn trên 360 ngày; nợ đã được điều chỉnh lại kỳ hạn trả nợ lần thứ 2 tiếp tục phát sinh nợ quá hạn và phải cơ cấu lại kỳ hạn trả nợ lần thứ ba; nợ khoanh, nợ chờ xử lý.
 
Phương thức quản lý rủi ro hoạt động chủ yếu tập trung vào các cơ quan, tổ chức có liên quan trực tiếp đến nghiệp vụ quản lý nợ công.
 
Theo thời báo kinh doanh

Trả lời