Nhà báo, nhiếp ảnh gia Xuân Bình: Tôi cố gắng làm một ngọn nến nhỏ

xuanbinh1
Anh đi nhiều để được học hỏi nhiều hơn từ đời sống thực với những trải nghiệm vui buồn. Anh đọc nhiều để cố gắng không sa vào vòng luẩn quẩn của những kinh nghiệm rất mau cũ mòn. Anh tiết giảm tối đa những giao tiếp, giao đãi xô bồ để tự tìm cho mình những khoảng lặng. Giản đơn chỉ là để: Tu thân!
xuanbinh1
Tốt nghiệp Đại học Báo chí (báo viết), nhưng sao bây giờ nói đến Xuân Bình, người ta nghĩ ngay đến anh như một nghệ sĩ nhiếp ảnh?
Xin cảm ơn bất kỳ sự ghi nhận nào của đời sống! Có thể từ kiểu chụp không giống ai, những bức ảnh khác thường tới giải thưởng quốc tế đã xui khiến một mặc định như thế. Nhưng bản thân tôi chưa bao giờ nghĩ rằng mình có thể là một nghệ sĩ, càng không phải là nghệ sĩ nhiếp ảnh. Hơi cay đắng một chút, tôi luôn nghĩ rằng: chưa bao giờ khái niệm, định nghĩa “nghệ sĩ” trong từ điển tiếng Việt lại bị hiện thực làm biến dạng và tha hóa đến vậy. Để là một nghệ sĩ đích thực, người ta rất cần một thứ, đó là tự do. Với suy nghĩ như thế, tôi luôn sử dụng nhiếp ảnh như một phương tiện ghi chép trung thực và phù hợp nhất. Và đối với cái tên Xuân Bình thì viết và chụp là hai cánh tay của một đời sống chỉ biết hành động, là đôi chân của một thực thể nhận thức.
 
Trước khi nổi danh bởi nhiếp ảnh, anh từng có những bài viết đáng nhớ?
Phần lớn các bài báo đều có số phận rất ngắn ngủi. Sự “đáng nhớ” là của bạn đọc, có lẽ chị nên hỏi hoặc chất vấn họ. Tuy nhiên tôi thích trả lời câu hỏi này vì nó giúp tôi nhớ lại những bài viết non nớt và cả nhiều điều luyến tiếc cho một thực trạng báo chí.
 
Năm 1993, có thể kể đến loạt bài phân tích về kinh tế, tài chính trên báo Doanh nghiệp như: “Vụ cướp tập thể chưa từng có”; “Pacific Airlines – con đại bàng gãy cánh”; “Chuyển giao bao gánh nặng cho năm tài chính 1994”, “Tri thức là của cải lớn nhất” – bài viết từng bị cảnh cáo phê bình. Năm 1994, thật khó quên với bài Hải Phòng, vận hội mới mối lo cũ. Bài viết cảnh báo về việc các địa phương vờ ngây thơ, quá vội vã, rất bất cẩn trong việc tiếp nhận các dự án đầu tư nước ngoài. Tít bài bị tòa soạn báo Lao Động cắt đi phần cuối…
 
Năm 1995, bài công phu nhất là phỏng vấn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Cao Sĩ Kiêm: Đằng sau sự “phục sinh” của Ngân hàng thương mại cổ phần Hải Phòng. Bài viết nhìn nhận việc cấp phép cho ngân hàng này hoạt động trở lại đã phạm rất nhiều điều khoản được quy định trong Pháp lệnh Ngân hàng và Luật công ty. Bài viết cảnh báo nguy cơ sụp đổ của hệ thống ngân hàng thương mại. Tiếc thay cả Thời báo kinh tế Việt Nam và Tuổi Trẻ đều từ chối đăng tải…
 
Nếu phải kể một kỷ niệm về nghề viết, anh chọn câu chuyện nào?
Trước khi học Đại học Báo chí, tôi làm ở Đài Phát thanh – Truyền hình Hải Phòng. Bài đầu tiên trong cuộc đời làm báo (1982) tôi kể về làng Lãm – một ngôi làng nổi tiếng với nghề đánh dậm (một loại phương tiện được làm bằng tre dùng để bắt cá – PV) ở Đồ Sơn (nay là Kiến Thụy). Vào kỳ giáp hạt, cả làng mỗi người gánh một chiếc dậm trên vai, nối đuôi nhau đi hết cánh đồng này, dòng sông kia, vùng quê khác. Gần 20 năm sau, một lần đi chùa Hương tôi bắt gặp một đoàn dài những người đàn bà nghèo khổ đang lặn ngụp đánh dậm. Bóng của họ kín đen cả một đoạn sông đào. Dừng chân hỏi thăm thì thật bất ngờ họ chính là người làng Lãm. Không thể nói được điều gì, chỉ có thểứa nước mắt. Có lẽ chưa có nông dân ở làng quê Bắc bộ nào lại có thể khắc họa chân dung “Dũng sĩ giương cung đạp đất” hoành tráng hơn người làng Lãm. Ngay lúc đó và cho đến bây giờ, tôi luôn nhớ như in một buổi sớm mùa đông giá buốt, lần trong sương mờ những đoàn người câm lặng, dật dờ trôi đi bên dòng sông Đa Độ. Hành trình của họ tháng này qua tháng khác, đi từ tỉnh này sang tỉnh khác, bao giờ đến mùa mới dắt díu nhau trở về… Đó là kế sinh nhai chủ yếu trong lúc đồng ruộng chưa có khoán sản phẩm. Đó là một hướng đi gói ghém đầy những phấp phỏng, chở đầy những hy vọng về một tương lai nào đó khác biệt. Đó là cơ hội để từng người làng Lãm có thể vượt qua giới hạn làng, vượt qua những hạn chế của chính mình.
 
Điều gì tiếp theo câu chuyện về bài viết ám ảnh này?
Cho đến bây giờ, hình ảnh những người đi đánh dậm không thể nào tả bằng lời ấy vẫn luôn đồng hành cùng tôi trong mọi chuyến đi. Thật khó quên bài viết của một phóng viên tập sự đã được Tổng biên tập Đài Phát thanh – Truyền hình Hải Phòng chấm nhuận bút bằng với định mức của phóng viên bậc 5/6. Lớn hơn số tiền là sự thôi thúc tôi đến gần hơn với nhiếp ảnh. Mẹ con tôi quyết định vay nợ hai chỉ vàng để mua máy ảnh. Đó là cơ hội cho phép tôi có thể cầm máy suốt 30 năm qua để ghi lại những khuôn hình đáng nhớ, những khoảnh khắc không thể tái hiện, những hiện thực trần trụi, không giả dối, không hoa hòe hoa sói.
 
Và ý nghĩa hơn cả nhuận bút hay một nghề mới chính là nhận ra rằng nhà báo, nghề báo cũng chẳng khác gì nông dân và nghề đánh dậm. Trong hoàn cảnh bình thường cũng như bĩ cực, con đường để thay đổi của mọi số phận là sự không ngừng dịch chuyển. Không ngừng ĐI!
 
Nói như thế, có nghĩa viết và chụp giúp anh nhìn nhận những mối quan hệ cũng như giá trị cốt lõi của nghề?
Mỗi bức ảnh là một bài báo trung thực đến mức không thể tranh luận, bàn cãi. Không có được sự chắt lọc, lấp lánh của ngôn từ, không được tư duy ngôn ngữ dẫn dắt, thiếu cách hiểu của người cầm bút, nhiếp ảnh rất dễ trở nên nhạt nhẽo, điệu đàng, vô duyên hoặc đoản mệnh. Nhưng nhiếp ảnh báo chí thì hơn hẳn ngôn từ, chữ nghĩa và bài viết ở chỗ nó khó cho phép tác giả uốn éo, thêm thắt… Một nhà ngôn ngữ bình thường, một cây viết kha khá có thểỷ vào kinh nghiệm và sức bịa của mình để hoàn tất một… sản phẩm báo chí. Nhưng một nhiếp ảnh gia không thể không gí mũi vào sự kiện, không thể không hít hà hiện thực và càng không thể chụp cái mà mình nghĩ hay điều mà các thư ký tòa soạn tưởng tượng…
Theo doanh nhân cuối tuần

Trả lời