“Điều gì đó” trong kỹ năng lắng nghe

dieugido
Việc bày tỏ sự tôn trọng người khác là chìa khóa để xây dựng các mối quan hệ một cách có ý nghĩa. Kỹ năng thuyết phục là yếu tố cần thiết cho sự thành công trong rất nhiều bối cảnh. Vậy còn kỹ năng lắng nghe thì sao? Liệu lắng nghe có nên gọi là kỹ năng hay chỉ đơn thuần là một hoạt động của giác quan?
dieugido
Trong nhiều hội thảo, một số lời khuyên về phát triển kỹ năng lắng nghe được nêu ra khá cụ thể, ví dụ nghiêng mình về trước và giao tiếp bằng mắt để biểu lộ rằng mình đang bị lôi cuốn vào điều người đối diện trình bày, gật đầu hoặc nghiêng đầu để chứng tỏ rằng mình đã hiểu những điều được trao đổi, lặp lại nội dung đã nghe để khẳng định mình đã thực sự hiểu vấn đề… Tuy nhiên, để trở thành người thực sự biết lắng nghe, dường như vẫn còn cần thêm một “điều gì đó”.
 
Độc giả có thể tự rút ra “điều gì đó” trong một số tình huống, ví dụ từ câu nói của Larry Wilson và Spencer Johnson – tác giả của cuốn sách The One Minute Salesperson (tạm dịch: Người bán hàng trong một phút): “Nhân viên bán hàng tốt nhất là người lắng nghe tốt, qua đó có thể tìm ra những gì mà người mua mong muốn”. Có nghĩa là nếu biết thật sự lắng nghe thì người bán hàng sẽ phát hiện ra đầy đủ nhu cầu của các khách hàng, từ đó đáp ứng đúng và kịp thời mong muốn của họ và kết quả là sẽ bán được nhiều hàng hóa.
 
Tuy nhiên, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng có đến 93% giao tiếp là phi ngôn ngữ, bao gồm nét mặt, giọng nói, chuyển động của mắt, tư thế, cử chỉ tay chân và những điều khác nữa. Cũng một câu nói ngắn gọn như “Tuyệt vời thật”, nếu người nói đồng thời thể hiện cặp mắt tròn xoe đầy háo hức thì khác với trường hợp kèm một nụ cười mỉm hoặc ẩn hiện một nụ cười pha chút mỉa mai. Do đó, hiểu được chính xác ý định của người nói quả là điều không dễ dàng.
 
“Điều gì đó” cũng có thể được phát hiện từ nhận định của Peter Nulty – một tác giả chuyên viết về đề tài kinh doanh – như sau: “Trong số các kỹ năng lãnh đạo thì lắng nghe là giá trị nhất nhưng lại ít được hiểu biết đến nhất. Nhiều vị lãnh đạo thường liên tục nói để bắt người khác nghe mình, ít khi chịu lắng nghe người khác. Chỉ một số ít những người vĩ đại luôn biết lắng nghe và lắng nghe. Đó chính là lý do vì sao họ nói trước được về các vấn đề và cơ hội mà chưa ai nhìn thấy”.
 
Từ đó có thể thấy rằng ngoài những kỹ năng lãnh đạo cơ bản, nhà quản trị cần thật sự lắng nghe những điều mà các nhân viên của mình nói ra để phát hiện được nhiều vấn đề quan trọng ẩn đằng sau các câu nói của họ.
Theo doanh nhân cuối tuần

Trả lời