Hạn chế ăn chất cay, đắng khi mang thai

mgd887
Vào những ngày thời tiết oi bức, nếu dùng nước đắng, nước mát chế biến từ một số rau quả có tác dụng giải nhiệt như khổ qua, rau má, rau đắng… hoặc ăn một ít thực phẩm có vị cay như ớt, tiêu… để ra mồ hôi, điều hoà thân nhiệt, thì rất tốt cho sức khoẻ. Tuy nhiên, theo khuyến cáo của các chuyên gia dinh dưỡng và y học cổ truyền, khi sử dụng các thực phẩm có vị đắng, cay phải rất chú ý xem có phù hợp thể trạng của mình không.
 
Lương y Đinh Công Bảy, tổng thư ký hội Dược liệu TP.HCM cho biết, một số rau quả có vị đắng, tính mát, lạnh như khổ qua, rau má, atisô, rau đắng… thường có tác dụng thanh nhiệt, nhuận gan, giải độc nên rất có ích cho cơ thể trong trường hợp cần giải nhiệt, giải độc. Mỗi loại rau quả trên cũng có những tác dụng riêng đối với một loại bệnh nào đó.
Ví như trong khổ qua có chất charatin, có tác dụng tương tự như insulin, giúp hạ đường huyết, rất có ích trong chữa trị bệnh tiểu đường. Còn các loại rau đắng, rau má, atisô… lại rất tốt cho người có tình trạng gan bị suy giảm chức năng giải độc.
mgd887
Ăn nhiều khổ qua, rau đắng, tiêu, ớt… có thể gây sẩy thai, tiêu chảy, xuất huyết, hại hệ thần kinh thai nhi.
 
“Mặc dù những rau quả có vị đắng vừa kể rất tốt cho một số bệnh nhưng vì chúng có tính lạnh nên những người có thể trạng hàn, da thịt mát, hay bị lạnh bụng, thường đi tiêu lỏng nên hạn chế dùng khổ qua, rau má, rau đắng… trong khẩu phần ăn hàng ngày”, lương y Công Bảy nói. Cũng theo lương y Công Bảy, ngoài nấu canh, xào rau… nhiều phụ nữ còn dùng khổ qua sắc nước uống mỗi ngày, như một phương pháp ăn kiêng để giảm béo. Việc giảm béo này sẽ không mang lại hiệu quả cao nếu không có chế độ ăn uống điều độ, tập luyện thể thao thường xuyên.
 
ThS.BS Đào Thị Yến Phi, trưởng bộ môn dinh dưỡng và an toàn thực phẩm, đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, TP.HCM chia sẻ thêm: “Những phụ nữ mang thai nên cẩn trọng với việc bổ sung các rau quả có chất đắng như khổ qua. Vì chất charatin trong loại thực phẩm này tuy có tác dụng hạ đường huyết, tốt cho người bị tiểu đường nhưng lại có nguy cơ làm thai phụ dễ bị sẩy thai, xuất huyết và co thắt tử cung”.
Cũng theo BS Yến Phi, trong quá trình nấu nướng, người nấu rất dễ sơ suất để sót lại hạt khổ qua trong món ăn. Nếu ăn phải hạt, có thể bị đau thắt bụng, nhức đầu, tiêu chảy, thậm chí hôn mê… do trong hạt khổ qua chứa chất vicine gây ngộ độc.
 
Với nhiều người, bữa ăn sẽ quá nhạt nhẽo nếu trong bát canh chua, chén nước mắm thiếu màu đỏ của ớt; cá kho tiêu thiếu vị đen của tiêu sọ… Không ít người phải cho thật nhiều ớt, tiêu vào món ăn, ăn đến khi nước mắt chảy ràn rụa thì mới thấy ngon, thấy đã, “Thói quen quá liều này rất không tốt cho sức khoẻ”, lương y Công Bảy khuyến cáo. Ông cho biết thêm, ớt chứa nhiều vitamin C, có thể giúp khống chế phần nào các bệnh tim mạch, kích thích tiêu hoá, khí huyết lưu thông, tinh thần hưng phấn hơn.
 
Tuy nhiên, chỉ nên ăn ớt với liều lượng vừa phải. Nếu sử dụng quá nhiều, ăn mỗi lần cả vốc ớt, chất chát trong ớt sẽ kích thích mạnh đến niêm mạc dạ dày, gây đau bụng, đi ngoài, thậm chí làm chảy máu ở những trường hợp có bệnh trĩ. “Ngoài ra, những trường hợp bị cao huyết áp, viêm họng, viêm thực quản, viêm loét dạ dày… nên hạn chế thói quen ăn ớt. Thậm chí không ăn ớt lại càng tốt cho sức khoẻ hơn”, lương y Công Bảy lưu ý.
 
Theo BS Yến Phi, phụ nữ mang thai thường thích ăn ớt, bởi ớt giúp họ cảm thấy ngon miệng, loại trừ được những cơn nôn oẹ khó chịu do chứng nghén. Tuy nhiên, các sản phụ chỉ nên cho vài lát ớt vào món ăn để góp thêm hương vị. Vì nếu ăn quá nhiều, các chất trong ớt có thể làm tăng sự chuyển hoá trong cơ thể, “Ớt có chứa nhiều chất gây tê, sẽ làm hại đến hệ thần kinh thai nhi, có thể gây liệt, thậm chí làm dị tật khiến cho thần kinh của bé không phát triển được”, BS Yến Phi khuyến cáo.
Theo – SKDS

Trả lời