Dạy con phản tác dụng

nhung-cach-day-con-phan-tac-dung
Thay vì bảo “Con đừng đổ nước nữa sẽ làm dơ nhà đấy”, một số phụ huynh lại nói “Con có ngon thì làm đổ nước ra nhà nữa đi”. Đó là cách giáo dục ngược mà các nhà tâm lý khuyên cha mẹ không nên sử dụng.
nhung-cach-day-con-phan-tac-dung
Thạc sĩ Phạm Thị Thúy, cố vấn chuyên môn Hội quán các bà mẹ cho rằng, dạy con là một trong các công việc phức tạp nhất của người làm cha mẹ. Về lý thuyết dạy trẻ, phần đông phụ huynh biết rõ mình nên và không nên làm gì. Nhưng đôi khi tâm trạng không vui, bận việc hay vì giận chồng/vợ, lại gặp lúc trẻ phạm sai lầm, bướng bỉnh, cha mẹ đã đánh mắng con mà không chú ý đến tác dụng ngược của cách giáo dục đó.
 
Một số cha mẹ khi con làm sai thường có những câu nói lẫy, ví dụ con chơi nắng thì người mẹ lại nói: “Có giỏi thì ra nắng nữa đi!”, mà không giải thích cho trẻ hiểu tại sao không được ra nắng. Con nít luôn tin vào lời nói của cha mẹ và chưa nhận thức được cảm xúc giận dữ, không bằng lòng khi cha mẹ nói câu ngược đó. Trẻ có thể vì sự ngây thơ của mình mà nghĩ cha mẹ đang khuyến khích mình ra nắng. Điều nhầm lẫn này sẽ làm cho bé khó phân biệt được hành vi nào được làm và hành vi nào không được làm. Chỉ khi lặp lại hành động không được phép đó và bị cha mẹ trừng phạt vì không nghe lời, trẻ mới biết đó là việc không được phép làm.
 
Với cách giáo dục này, trẻ sẽ sống trong tâm trạng hoang mang, mất niềm tin vào chính cha mẹ của mình. Các em cảm thấy mình bị oan, bị tổn thương, thậm chí thắc mắc trong đầu: “Ủa, lần trước mẹ bảo cứ làm đi mà, sao giờ lại không được làm?”. Trẻ thu mình lại hay phản kháng cha mẹ trong một dịp khác.
Một minh chứng rõ ràng nhất về “tác dụng ngược” trong cách giáo dục của cha mẹ là thường lấy những hình ảnh xấu dọa con mình như: ma, ông kẹ, ông ba bị… nhằm làm trẻ sợ mà dừng những hành động bướng bỉnh, hay đơn giản để thúc trẻ ăn và ngủ.
 
Cách trên có vẻ phát huy tác dụng tức thì. Trẻ sẽ sợ và làm theo ngay lệnh của cha mẹ. Tuy nhiên tác dụng ngược lại lớn hơn rất nhiều, nhẹ thì có thể làm cho trẻ bị ám ảnh và ngủ mơ ác mộng, nặng có thể làm cho bé luôn sợ hãi trước những gì có vẻ lạ, giống những thứ mà cha mẹ hay đem ra dọa. Từ đó các em cảm thấy mất tự tin, nhút nhát trước người lạ, hoàn cảnh lạ.
 
Nhiều bậc cha mẹ than con mình nhát quá, đi vào phòng tối cũng sợ ma, gặp người lạ là chạy trốn sau lưng cha mẹ… Nhưng họ không thể ngờ rằng hiện tượng đó là vì khi còn bé, các cháu đã bị chính cha mẹ gieo vào lòng những nỗi sợ đó.
 
Thậm chí, có cha mẹ đem “công an, cảnh sát” ra để dọa trẻ, bắt trẻ làm theo ý mình. Điều này có hậu quả rất xấu, có thể làm trẻ có suy nghĩ sai lệch và tiêu cực về người công an, cảnh sát. Khi các em lớn lên, bị người lạ xâm hại, các em không dám tìm đến công an, cảnh sát nhờ giúp đỡ.
 
Hơn ai hết, cha mẹ cần giúp con có cái nhìn thân thiện với những người làm nhiệm vụ bảo vệ an ninh trật tự để khi cần các cháu tìm kiếm sự trợ giúp. Đơn giản như khi cháu bị lạc đường biết tìm đến công an, cảnh sát để hỏi chứ không hỏi người lạ sẽ giúp các cháu rất nhiều trong việc tránh xa nguy hiểm.
 
Trẻ tò mò muốn khám phá mọi thứ xung quanh (thường từ lúc biết bò), vì thế cha mẹ là người gần gũi nhất nên cần trò chuyện với trẻ, chỉ cho con biết đâu là việc mình được làm và không được làm. Điều này sẽ giúp các em biết phân biệt được đúng – sai. Qua đó định hình rõ các nguyên tắc sống trong một công đồng khi lớn lên, giúp các em hòa nhập vào cuộc sống dễ dàng hơn, tự do hơn.
 
“Có lẽ không bao giờ là quá muộn để các bậc cha mẹ ý thức rõ về tác hại của một số cách giáo dục con của mình. Những cách ‘dạy con ngược’ dẫn đến phản tác dụng trên vẫn còn khá phổ biến ở nước ta. Vì tương lai của con em mình, cha mẹ luôn cân nhắc nên nói gì, làm gì khi ứng xử với các cháu”, thạc sĩ Phạm Thị Thúy bày tỏ.
Nguồn st

Trả lời