Tình yêu của cặp đôi sống chung với “kẻ thứ 3”

tinh-yeu-cua-cap-doi-song-chung-voi-ke-thu-3
Ngoài dắt tay nhau bước qua lời thị phi, định kiến, cả hai còn xác định tình yêu của mình phải “cảnh giác” với một kẻ thứ ba, đó là căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS.
Duyên nợ
Cuối năm 2007, trên chuyến tàu Bắc – Nam, Phương ngồi bó gối, điểm lại cuộc đời mình. Anh khóc, nhận ra dường như, cho đến lúc này, mình chưa bao giờ được sống. Sự thức tỉnh muộn màng, đầy tuyệt vọng bởi chuyến đi ấy, với Phương, là để đón nhận cái chết. Đi xa vì không muốn lụy người thân…
Phương sinh ra trong một gia đình viên chức khá giả ở Hà Nội. 15 tuổi, đang là cậu học trò giỏi, đứa con ngoan, không dưng cuộc hôn nhân thất bại của cha mẹ lại trở thành cái cớ khiến Phương bỏ học, sống buông thả, ngày ngày theo bạn xấu ăn chơi, tập tành hút xách.
tinh-yeu-cua-cap-doi-song-chung-voi-ke-thu-3
Gia đình không chu cấp cho đứa con nghiện ngập, Phương “đầu quân” vào các băng nhóm chuyên tổ chức cướp giật, mua bán hêrôin. “Có thời điểm tôi còn ‘hành nghề’ bảo kê, chăn dắt gái mại dâm. Bằng mọi giá phải có tiền để thỏa cơn ghiền thuốc” – anh kể. Kết quả của bước sa chân, trượt dài gần 15 năm là 20 lần Phương đi trại cai nghiện, và nhiều lần vào tù ra khám.
Nhưng, cái giá đắt nhất phải trả, Phương đã nhiễm HIV. Đầu năm 2007, sau vài tháng vào trại cai nghiện Ba Vì (Hà Nội), Phương bị trả về bởi sức khỏe trong tình trạng xấu nhất. Mẹ anh lật đật đưa con đến bệnh viện, nhưng sự hoành hành của căn bệnh thế kỷ cộng với chứng lao phổi, sức khỏe của Phương giảm sút nghiêm trọng. Anh trốn mẹ, bỏ vào TP.HCM.
Thế nhưng, cuộc đời luôn có những bất ngờ kỳ diệu. Vừa đặt chân đến Sài Gòn, Phương may mắn gặp một người bạn đang là đồng đẳng viên giúp đỡ, tư vấn, thuyết phục và đưa anh đến các cơ sở y tế sử dụng thuốc ức chế, hỗ trợ cắt cơn nghiện. Với sự giám sát gắt gao của bạn, sức khỏe của Phương dần hồi phục.
Năm 2008, trong một buổi tham gia sinh hoạt tuyên truyền phòng chống HIV, anh gặp Hạnh – cô gái khỏe mạnh, ngoan hiền say mê công tác vì cộng đồng người nhiễm HIV. Biết “lý lịch” của anh, nắm rõ cả quá khứ khó lòng chấp nhận, Hạnh vẫn cho phép bản thân gần Phương hơn chút nữa, để tìm hiểu, yêu thương. “Tôi coi đây là duyên nợ, số phận định sẵn cho mình” – Hạnh nói, bởi trước đó, dù được nhiều người ngỏ lời, chị đã khước từ.
Vượt lên định kiến
Mối tình kéo dài bốn năm, cả hai phải đối mặt với không ít thị phi. Người khác ái ngại thay cho Hạnh: “Hạnh phúc được mấy lát”. Hạnh bỏ ngoài tai, kiên trì với lựa chọn của mình. Chị quan niệm: “Hạnh phúc chỉ đến và ở lại khi mình có niềm tin và quyết tâm giành, giữ lấy nó. Vấn đề của tôi không phải người khác nói gì mà làm sao để thuyết phục người thân, gia đình, vốn rất kỳ vọng, trông mong ở con gái”.
Hạnh kể, hôm điện thoại về Phú Yên cho mẹ, nói rằng đang yêu và sẽ lập gia đình với Phương, cả nhà chị đi từ giật mình, ngỡ ngàng đến lo sợ, phản đối. “Tôi kiên định sẽ gắn bó, ở lại với anh chứ không vì thế mà chênh chao suy nghĩ. Vì hơn ai hết, tôi thấy rõ ở anh sự cố gắng và tình cảm chúng tôi dành cho nhau, người khác khó lòng hiểu thấu. Tôi nghĩ rằng, thử thách này nhất định phải vượt qua nên ra sức thuyết phục gia đình” – Hạnh cho biết.
Mưa dầm thấm sâu, vài ngày một cuộc gọi về quê, Hạnh kể cho người thân những cố gắng của Phương khi trở thành tuyên truyền viên đồng đẳng; và chứng minh mình hạnh phúc trong tình yêu với anh. Gia đình chị… rủ nhau đồng lòng ủng hộ.
“Mẹ tôi vào gặp Hạnh, bà khóc rất nhiều, hỏi Hạnh suy nghĩ kỹ chưa, giờ thay đổi cũng chưa muộn. Thậm chí, bà còn khuyên cô ấy không nên dấn thân vào con đường nhìn thấy trước chông gai. Hạnh cười, nói, không bao giờ hối hận với lựa chọn này” – Phương chia sẻ.
Sống với “kẻ thứ ba”
Trở thành vợ chồng, những sinh hoạt trong cuộc sống chung lại là thử thách khác phải vượt qua. Hạnh cho biết: “Chúng tôi thường xuyên truy cập internet để tìm tòi, học hỏi cách chăm sóc người bệnh cũng như các bước phòng chống lây truyền để bảo vệ cho nhau. Ví dụ, trong trường hợp bị xây xát thì phải ứng phó với vết thương như thế nào, thậm chí đến rác thải của gia đình cũng cần được xử lý sao để đảm bảo an toàn cho người chung quanh”.
Dẫu vậy, chị kể, làm vợ của người nhiễm HIV, sự cẩn thận đôi khi trở thành nguyên tắc, phải thực hiện: “Hạnh phúc vợ chồng nhiều lúc đơn giản là những hành động nhỏ quan tâm đến nhau, nhưng với mình thì không thể được, như dù muốn… cắt móng tay cho anh, tôi cũng chỉ biết đứng nhìn. Hoặc một số vật dụng, vợ chồng phải chia ra dùng riêng”. Hạnh nói, không lấy đó làm thiệt thòi của hôn nhân, bởi Phương đã cho chị một cuộc sống hạnh phúc từ sự giúp đỡ, quan tâm khác, có khi chỉ là rót ly nước lúc vợ đi làm về, giành nấu ăn, giặt giũ hay sưu tầm nhiều chuyện vui kể vợ nghe…
Giống như bao cặp vợ chồng khác, anh chị mong muốn một mái ấm có tiếng cười trẻ thơ, song hiện tại, Hạnh đang là công nhân, còn Phương là đồng đẳng viên, tham gia hoạt động tại Trung tâm Y tế dự phòng huyện Bình Chánh và Ủy ban Phòng chống AIDS TP.HCM.
Thời gian và điều kiện chưa cho phép nên giấc mơ về những đứa trẻ đành gác lại. Hơn nữa: “Tôi như người trở về từ vực thẳm, hiện tại chỉ muốn nỗ lực nhiều hơn để vơi bớt mặc cảm quá khứ của mình” – Phương nói.
Theo đó, ngoài công việc đồng đẳng viên, rảnh rỗi, vợ chồng anh rủ nhau tìm đến các em nhỏ bị nhiễm HIV để động viên. “Đa phần, các em đều không có vốn kiến thức phòng tránh lây truyền, có thể gây nguy hiểm cho người khác nên rất cần sự chỉ dẫn. Cũng có em bị xa lánh vì bệnh tật, rất cần được quan tâm, giúp đỡ về tinh thần” – Hạnh nói.
Trong căn nhà nhỏ thuê trên đường Phạm Hùng, Q.8, Hạnh dành hẳn một góc tường để treo giấy chứng nhận, bằng khen của Phương, được Hội LHTN VN TP.HCM, UBND TP.HCM tặng vì những nỗ lực, phấn đấu vươn lên sống đẹp, sống có ích; tham gia điều hành nhóm hỗ trợ dành cho người tái hòa nhập…
Phương cho biết: “Được vợ động viên, vực dậy tinh thần, nên dù xác định bản thân mang một “án tử”, tôi vẫn sống sao cho mỗi ngày trôi qua đều có ý nghĩa. Tình yêu của cô ấy, với tôi là một phép nhiệm màu”.
Nguồn st

Trả lời