Dâu núi

dau-nui
Những người sống trong khu dân cư nhà bà Thanh đều không ai hiểu vì sao bà gọi con dâu mình là “dâu núi”. Nhưng thấy bà phẩy tay khi họ khen cô con dâu thì mọi người đều đồng thanh: “Tôi cũng muốn có đứa dâu núi như nhà bà đây”.
Mỗi lần nhắc đến nàng dâu của mình là bà Thanh (Khương Trung, Hà Nội) hỉ hả cười tròn cả miệng. Bà không khen, cũng chẳng chê mà chỉ tươi rói đáp lại một câu rằng: “Dâu núi ấy mà!”, rồi cứ kệ mọi ỏ ê nói ra nói vào.
“Bác ấy cứ hạn chế không khen con dâu. Chứ thời buổi này, hiếm được cô nào như thế. Cũng công nọ việc kia như ai, nhưng sáng lục đục dậy từ 5 giờ, đun nước, pha trà cho bố mẹ chồng, nấu ăn sáng cho cả nhà rồi đi chợ, sau đó lại thoăn thoắt ở trên sân thượng phơi quần áo. Nhiều khi tôi thấy mà cũng tự áy náy, xấu hổ với bố mẹ chồng” – chị Hằng, người hàng xóm sát vách nhà bà Thanh cho biết.
Không những vậy, chị Khương – con dâu bà Thanh còn nức tiếng với hàng xóm bởi “mau mồm, mau miệng, chưa thấy người đã thấy tiếng chào hỏi”.
dau-nui
“Trong khi các nàng dâu khác ở khu này sáng, tối chỉ biết từ nhà đến cơ quan, rồi từ cơ quan về nhà, ít khi để ý đến mối quan hệ hàng xóm láng giềng thì cô ấy cứ vồn vã, thân thiết. Nghe nói nhà đẻ cô ấy giàu có, ấy thế mà mới về làm dâu cô ấy đi mua cuốc về, xới đám đất trống bên hông nhà, lúi húi trồng rau hệt như con nhà nông” – một bà cụ trong khu phố cho biết.
Còn về phần bà Thanh, khi được hỏi về cô con dâu của mình, bà cho biết rằng suýt chút nữa thì để lọt mất cô con dâu tốt. Qua những gì bà Thanh kể, bà vốn không có ấn tượng tốt với chị ngay lần gặp đầu tiên. Bởi, nhìn vóc dáng mảnh khảnh, da trắng, tay chân “đúng kiểu như chưa bao giờ phải đụng vào bất cứ việc gì”.
Nhà bà vốn neo người, cô con gái thì lấy chồng và định cư ở nước ngoài. Nghĩ đến việc về sau phải dựa tất vào cậu con trai nên bà cũng có phần kén chọn khi chọn con dâu.
Trong khi thấy vóc dáng đã không ưng, lại nghe nói nàng dâu tương lai này quê tít miền Trung nên bà càng thêm ái ngại và ra sức ngăn cản.
“Cũng may khi tôi thể hiện thái độ, con bé không buông xuôi hoặc ghét bỏ. Ngược lại, nó tìm cách để tôi tự nhận ra mình đã nhầm. Con bé khéo léo, đối xử chu đáo với bố mẹ chồng như con gái. Nhiều khi tôi còn thấy con gái mình không bằng được ấy chứ!
Con bé chưa từng nề hà việc gì. Móng tay tuy cũng tô đen, tô đỏ nhưng chả ngại cuốc đất, trồng rau. Bảo thuê người giúp việc thì nó gạt đi ‘con làm rốn tí là được’. Tôi thường gọi con dâu là dâu núi vì thực tế con bé có khác gì con nhà nông đâu” – Bà Thanh phấn khởi chia sẻ.
Câu chuyện của bác Dung (Nguyễn Chí Thanh, Hà Nội) chia sẻ về nàng dâu của mình cũng lắm thú vị và khiến các bà mẹ chồng khác phải thèm thuồng, ngưỡng mộ.
Bác Dung cho biết, do gia đình tuy không thuộc hàng danh gia vọng tộc nhưng cũng tạm coi là có địa vị. Mặt khác, con trai bác lại học hành tử tế, công danh thành đạt cho nên khi kén con dâu, bác cũng muốn nàng dâu đó phải tương xứng với hoàn cảnh nhà mình.
Dù không có ý kén chọn nàng dâu con nhà giàu nhưng với lối tư duy “đóng đinh”: “Không phải gia đình môn đăng hộ đối với nhà mình thì cũng phải là gái thành phố. Chỉ có thế mới khéo ứng xử, nhanh nhẹn, hoạt bát…”. Chính vì tiêu chuẩn nàng dâu của bác mà khiến anh con trai đau đầu khi quyết định đưa bạn gái về giới thiệu.
“Nghe bạn bè nó chuyện trò thì rõ là nó đã có người yêu nhưng giục giã mãi không thấy đưa về nhà giới thiệu. Mãi tới khi tôi bảo nếu không đưa về ra mắt thì tôi nhờ người mai mối, nó mới ầm ừ. Nhìn vẻ khổ sở của nó lúc đó, tôi lờ mờ đoán cô gái kia không thuộc diện được tôi duyệt” – bác Dung kể lại.
Và đúng với những gì bác dự đoán. Sau khi anh con trai dẫn bạn gái – một cô giáo đang dạy hợp đồng về ra mắt, bác đã nhất mực đòi tự tử nếu anh không chia tay.
Lý do bác không đồng ý, đơn giản vì cô gái đó ngoài đôi mắt sáng thì không có gì nổi bật: người tỉnh lẻ, da đen đúa, phong thái “lành như cục đất” không khác gì cô gái dân tộc…
Sau khi liệt kê chi tiết những cái không được của cô gái đó, bác cũng đồng thời chốt gọn một câu với cậu con trai: “Không những quê mà còn như ở tít trên đỉnh núi vùng Mù Cang Chải ấy. Tôi không chấp nhận dâu núi ở nhà này”. Hơn thế cái tên “Mơ” càng chỉ cho bác thấy cô gái đó không xứng tí nào.
Chuỗi ngày sau đó, không những anh con trai không chia tay bạn gái mà còn dẫn chị về nhà thường xuyên hơn. Nhiều khi bác Dung không nể nang, nói như đuổi: “Nhà tôi bỏ tiền thuê ôsin rồi, không có nhu cầu tuyển thêm nữa…”. Song dẫu không thoải mái, cô gái ấy vẫn tỏ ra rất gần gũi, nói cười đâu ra đấy, lễ phép và chừng mực.
“Chỉ khoảng một tháng đầu thì con trai tôi kè kè ở bên, giật áo mẹ để bạn gái không bị mắng nhiều. Còn sau đó, cô nàng tự đến, lăng xăng vào bếp, nấu nướng rồi trò chuyện. Cuối tuần thì đến giúp tôi dọn nhà. Khi ấy ngoài mặt tôi vẫn tỏ vẻ lạnh lùng nhưng đã bắt đầu ngầm xem xét lại.
Cho đến một hôm, khi chỉ có hai mẹ con trong bếp, con bé vừa rửa bát vừa nói rằng ‘Con rất tự tin để làm con dâu tốt của mẹ, người vợ tốt của anh Kiên. Dù nhà con không đủ điều kiện môn đăng hộ đối nhưng con có niềm tin, có lòng tự trọng và sẵn sàng học hỏi…” – bác Dung cho biết.
Và trong hoàn cảnh “trời không chịu đất thì đất phải chịu trời” bác buộc phải đồng ý cho tổ chức lễ cưới. Nhưng chính việc “buộc phải” đó mà càng về sau bác Dung càng thấy mình may mắn. Vì nàng dâu “núi” ngoan hiền nhà bác lúc nào cũng để ý chăm sóc, vun vén cho gia đình.
“Nghe nhiều bà bạn than thở rằng dâu con của họ không thèm dành thời gian nói chuyện với bố mẹ chồng. Coi nhà chồng như nhà trọ… Nhìn lại nhà mình tôi thấy may mắn. Con dâu tôi cứ có thời gian là tìm nguồn nọ, sách kia hướng dẫn cho bố mẹ chồng tập thể dục, đưa đi khám sức khỏe thường kì, chú ý đế chế độ thực phẩm cho bố mẹ… Cả ngày cứ líu lo đủ điều như đứa trẻ con…” – bác Dung tự hào nói về cô con dâu tốt của mình.
Nguồn afamily

Trả lời