8 Nguyên tắc tài chính

6

 

Tám nguyên tắc tài chính căn bản được Simon Benninga tập hợp và giới thiệu trong “Principles of Finance with Excel.” Những nguyên lý cơ bản, dễ hiểu nhưng lại là những bẫy nguy hiểm và rất dễ mắc phải.

6

Nguyên tắc 1: Mua tài sản cộng thêm giá trị; tránh mua tài sản không cộng thêm giá trị

Ở mức độ đơn giản nhất, đưa ra một quyết định tài chính tối ưu nghĩa là mua tài sản có tác dụng cộng thêm giá trị và tránh mua tài sản không cộng thêm giá trị. Ví dụ, cần quyết định sẽ tiếp tục sử dụng một máy photocopy cũ, hiệu suất thấp hay mua một máy mới, chạy nhanh hơn, không bị hỏng vặt, và tiết kiệm mực, năng lượng. Câu hỏi tài chính với hai lựa chọn này là: Phương án nào- giữ máy photocopy cũ hay mua một máy mới- cộng thêm giá trị cho hoạt động kih doanh? Để có thể xác định giá trị của một tài sản (như cổ phiếu, trái phiếu, máy móc, hay công ty) nguyên lý cần luôn được tuân thủ chặt chẽ là: so sánh táo với táo, cam với cam. Mặc dù nghe qua thì tưởng chừng quá đơn giản, nhưng đây lại là một trong những nguyên lý chứa đựng nhiều rủi ro rất đỗi kinh ngạc trong quá trình thực hành công việc!

Nguyên tắc 2: Tiền mặt là vua

Giá trị của một tài sản được xác định bằng dòng tiền mà nó tạo ra trong suốt vòng đời hoạt động của mình. Dòng tiền của một tài sản là số tiền sau khi đã trừ đi các khoản thuế phải nộp mà tại sản tạo ra tại một thời điểm xác định.

Cần phân biệt rõ giữa dòng tiền và con số lợi nhuận. Giả sử, cửa hàng bánh bán được 500 đồng vào ngày thứ ba và cùng ngày cửa hàng đã mua 300 đồng nguyên vật liệu. Khi đó, bạn sẽ kỳ vọng số tiền trong két thu ngân là 200 đồng, nhưng có thể bạn sẽ ngạc nhiên khi thấy số tiền thực tế trong két là 300 đồng. Lời giải: trong 500 đồng bán bánh, bạn chỉ thu thực tế 400 đồng- 100 đồng tiền bánh đã được bán cho một khách hàng thân thiết của cửa hàng và thường thanh toán mỗi tháng một lần vào cuối tháng. Đồng thời, trong khoản 300 đồng nguyên liệu, cửa hàng cũng mới thanh toán 100 đồng, số 200 đồng còn lại sẽ thanh toán sau 10 ngày kể từ ngày mua.

Dòng tiền, do vậy, khác với lợi nhuận kế toán hay doanh số trên chứng từ. Cửa hàng hạch toán lợi nhuận trong ngày là 200 đồng, nhưng dòng tiền trong ngày là 300 đồng (=400 đồng thu từ doanh số trừ đi 100 đồng tiền nguyên liệu). Nguyên do có sự khác biệt này là thời điểm thu và chi, nói cách khác, chênh lệch thời điểm của dòng vào và dòng ra. Tất nhiên, mười ngày sau, cửa hàng sẽ có một dòng tiền “đi ra” bằng 200 đồng, do phải thanh toán tiền nguyên vật liệu.

Trong tài chính, dòng tiền là quan trọng bậc nhất. Phần lớn các dữ liệu tài chính do đội ngũ kế toán, những người làm rất tốt công việc ghi nhận các hành vi kinh tế thực tế của doanh nghiệp, chuẩn bị. Khi ra các quyết định, người làm công tác tài chính phải “dịch” các số liệu kế toán thành các khoản tương đương tiền. Rất nhiều công việc tài chính liên quan trước tiên tới việc chuyển thông tin kế toán sang các dòng tiền một cách chính xác.

Nguyên tắc 3: Trục thời gian trong các quyết định tài chính là quan trọng

Nhiều quyết định tài chính được thực hiện với việc so sánh các dòng tiền tại những điểm thời gian khác nhau. Ví dụ: bạn thanh toán cho máy photocopy mới vào ngày hôm nay (một dòng tiền đi ra), nhưng bạn tiết kiệm tiền trong tương lại (một dòng tiền đi vào). Công việc tài chính phải xử lý chính xác vấn đề thời gian của các dòng tiền.

Nguyên tắc 4: Biết cách tính toán chi phí của các phương án tài chính

Các phương án tài chính thường khiến bối rối kiểu như: mua một máy photocopy đắt hay rẻ hơn so với việc thuê tài chính? Khoản vay có lãi suất tính theo tháng đắt hay rẻ hơn khoản vay có lãi suất tính theo năm? Để có các quyết định tài chính cuối cùng, cần biết cách tính chi phí của hai, hay nhiều hơn các phương án lựa chọn.

Nguyên tắc 5: Tối thiểu chi phí tài chính

Rất nhiều quyết định tài chính phải đưa ra là nhằm lựa chọn phương án đúng. Sẽ mua máy photocopy với nguồn tài trợ là khoản tín dụng từ người bán hay bằng khoản vay ngân hàng? Sẽ đầu tư vào một dự án bất động sản hay đặt tiền vào thị trường chứng khoán?

Lựa chọn phương án đúng, trong nhiều tình huống, là một quyết định tách biệt với quyết định đầu tư: Quyết định mua máy photocpy là một quyết định đầu tư, quyết định chọn nguồn tài trợ để mua máy là một quyết định tài chính.

Nguyên tắc 6: Tính tới yếu tố rủi ro

Nhiều phương án tài chính không thể so sánh trực tiếp với nhau ngoại trừ việc xem xét yếu tố rủi ro của chúng. Có nên rút tiền gửi ở ngân hàng để đầu tư vào thị trường chứng khoán? Một mặt, những người đầu tư trên thị trường chứng khoán có khoản thu bình quân cao hơn những người gửi tiền trong ngân hàng. Mặt khác, tiền gửi an toàn trong khi thị trường chứng khoán rủi ro hơn rất nhiều.

Rủi ro chính là một từ ngữ đầy ma thuật trong tài chính.

Nguyên tắc 7: Thị trường hiệu quả và xử lý thông tin rất tốt

Các thị trường tài chính luôn ngập trong thông tin. Để ra một quyết định tài chính, bằng cách nào để biết được đã có đầy đủ các thông tin nhạy cảm, và rằng quyết định được ra trong điều kiện đầy đủ thông tin? Tin xấu là không có cách nào tập hợp đầy đủ các thông tin sẵn có vào quá trình ra quyết định. Tin tốt là điều đó có thể không cần thiết: Nỗ lực tối đa của các tác nhân trên thị trường dựa trên các thông tin có được đẩy tới chỗ không còn cơ hội để tìm kiếm lợi nhuận nhờ thông tin tập hợp được. Trong rất nhiều trường hợp, các thị trường tài chính hoạt động tốt tới mức không thể cải thiện gì thêm về khả năng tập hợp thông tin.

Nói ngắn gọn, cổ phiếu ABC đã được thị trường chứng khoán định giá chính xác với tất cả các thông tin liên quan tới cổ phiếu này. Tính hiệu quả này của thị trường giúp đơn giản hóa quá trình ra quyết định tài chính khi quan tâm tới các tài sản và giá của chúng.

Nguyên tắc 8: Đa dạng danh mục tài sản là quan trọng

“Không bỏ tất cả trứng vào một giỏ.” Câu thành ngữ quá quen thuộc này trong tài chính được diễn đạt rằng: đa dạng các tài sản, không nên nắm giữ một vài cổ phiếu hay trái phiếu, hãy mua một danh mục.

Nguồn kynang360

 

Trả lời