Sự thật về mô hình bán hàng đa cấp ở Việt Nam

3

Vào thời điểm hiện tại, ở Nhân Trạch nói riêng và Quảng Bình nói chung, có nhiều anh chị em bước đầu tìm hiểu và tham gia hoạt động mua bán ở các công ty kinh doanh đa cấp (tên tiếng anh là Multi Level Marketing)

3

Kinh doanh đa cấp là một kiểu kinh doanh truyền tiêu, mà ai đã lọt bẫy một lần sẽ khó lòng thoát ra được. Ban đầu, họ là nạn nhân, nhưng khi gia nhập mạng lưới đa cấp, họ lại trở thành kẻ tòng phạm, vì tiếp tục dụ dỗ nhiều người khác vào mạng lưới để hưởng hoa hồng. Cứ thế, “chuỗi dây chuyền lừa nhau” ngày càng dài vô tận.

Siêu lợi nhuận

Bán hàng đa cấp xuất hiện lần đầu tiên ở TP.Hồ Chí Minh năm 1998, do một nhóm người từ Đài Loan sang liên doanh với Công ty Incomex. Sản phẩm mà họ rao bán đơn giản chỉ là chiếc nệm mút bình thường, nhưng qua các buổi tập huấn bán hàng, chiếc nệm này được biết đến như một sản phẩm thần kỳ, có tác dụng chữa “bách bệnh”. Vì thế, giá trị của món hàng được đẩy lên đến vài chục triệu đồng/tấm.

Tháng 12-2000, Công ty Sinh Lợi xuất hiện, rao tuyển nhân viên rầm rộ, với những lời hứa hẹn hoa mỹ: “Làm chức càng cao sẽ được cấp nhà, xe và sẽ có trong tay 5 tỉ đồng chỉ sau 1 năm làm hội viên”. Sinh Lợi ra quân với dòng sản phẩm “đa dạng” hơn như hàng  điện tử do các tổ hợp nhỏ ở TP.HCM sản xuất, được “lên đời” bởi nhãn mác ngoại mang cái tên chẳng ai biết tới: Peehuang, rồi rao bán với giá ngất trời. Chẳng hạn, mặt hàng đầu đĩa Peehuang giá 2 triệu đồng, bán ra 4,5 triệu đồng (tổng cộng, Sinh Lợi đã bán được 957 cái, thu về hơn 4 tỉ đồng); một chiếc áo ngực giá 3 USD, qua tay Sinh Lợi lên đến 1,5 triệu đồng/cái; đèn pin Trung Quốc mua giá 0,5 USD, bán 60.000 đồng; máy may mini Trung Quốc mua 2 USD, bán 420.000 đồng; máy tạo khí ozon Đài Loan mua 80 USD, bán 3 triệu đồng…

Thấy Sinh Lợi ngon ăn, nhiều công ty khác cũng nhảy vào kinh doanh đa cấp như: Lô Hội, NONI, Vision, Tân Hy Vọng, Tân Thành Phát, Thường Xuân, Lợi Ích, Phan Hưng Long, Toplife, Khang Hồng Thịnh, Vivalife, Harvet, AMWAY, Khải Việt,  Trùng Thảo Vương, Thế giới Hoàn Mỹ, Sáng Thế Kỷ Mới, Questnet (bán hàng đa cấp trên mạng)… Mỗi nơi bán một loại hàng hóa, nhưng cùng một chiêu thức “dùng người dụ người” bỏ ra một số tiền nhất định để mua sản phẩm, rồi sau đó chỉ cần ngồi mát hưởng hoa hồng từ những người bị dụ.

Vì sao không quản nổi bán hàng đa cấp?

Thứ nhất, tất cả phân phối viên khi đã bước vào kinh doanh đa cấp đều hiểu rằng mình đang bị lừa, nhưng vì lợi nhuận nên họ nhắm mắt làm ngơ, trở thành kẻ tiếp tay, dụ thêm nhiều người khác, thậm chí cả người thân và bạn bè vào mạng lưới để được hưởng hoa hồng nhiều hơn. Cứ như thế, chuỗi lừa nhau âm thầm hoạt động và kéo dài đến vô tận.

Thứ hai, cơ quan chức năng vẫn còn nhiều lúng túng trong cách quản lý hoạt động này. Kinh doanh đa cấp vào Việt Nam từ năm 1998, nhưng mãi đến năm 2005, Chính phủ mới ban hành Nghị định 110 thừa nhận tính hợp pháp. Đến nay, đã có 8 đơn vị được cấp phép. Tuy nhiên, theo ông Trần Vinh Nhung – Phó Giám đốc Sở Thương mại TP.HCM, thừa nhận: Nhiều đơn vị tổ chức bán hàng đa cấp, chưa được cấp phép, nhưng hoạt động lén lút, nên cũng không dễ phát hiện. Đối với những đơn vị có phép, cơ quan chức năng cũng vấp phải nhiều khó khăn vì khó phân biệt giữa “vô tình” hay “cố ý” vi phạm. Chẳng hạn, dạng vi phạm “ép buộc khách hàng phải mua sản phẩm, mới được trở thành phân phối viên”, rồi công ty “đổ thừa” do mạng lưới phân phối viên tự ép nhau, chứ không phải do chủ trương của công ty. Chưa kể, Sở Thương mại không có thẩm quyền chế tài với các công ty đa cấp vi phạm.

Thêm nữa, “vì mạng lưới đa cấp lôi kéo hàng chục ngàn người tham gia, nên khi “đụng vào” tức là đụng đến những con người cụ thể. Vì vậy, khi đoàn kiểm tra đến là họ phản ứng ngay. Chưa kể những người trực tiếp đi kiểm tra luôn đứng trước những băn khoăn, nếu xử lý những sai phạm của công ty này rồi, số phận những con người kia sẽ ra sao?” –  ông Nguyễn Trí Vị, Đội trưởng Đội 4A Chi cục Quản lý thị trường TP.HCM cho biết.

Ngày 23-6-2006, Sinh Lợi – con bạch tuộc to nhất trong các con bạch tuộc đã bị Đoàn Thanh tra của Sở Thương mại TP.HCM tạm giữ giấy đăng ký tổ chức bán hàng đa cấp, do có nhiều hành vi gian dối trong kinh doanh và đã chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra. Tương tự, Trường Ngoại ngữ SITC, với chiêu bài dụ học viên kiểu đa cấp, sau 2 năm quảng cáo rầm rộ ở Việt Nam đã “bốc hơi” không để lại dấu vết.

Người dân nhẹ dạ, ham tiền nên bị lừa. Nhưng, đáng trách hơn là các cơ quan chức năng còn quá chậm chạp, buông lỏng, lúng túng trong việc quản lý, gây ra tình trạng “dở khóc, dở cười” cho biết bao nhiêu người, vì họ vừa là nạn nhân, vừa là thủ phạm tiếp tay cho các hoạt động kinh doanh lừa đảo.

Theo doanhnhan.net

Trả lời