5 điều tránh khi thương thuyết

13

Hầu hết doanh nhân thông minh và có khả năng thương thuyết tốt. Một số người còn tích lũy nhiều bí quyết kiểm soát tình thế và lật ngược thế cờ giỏi. Nhưng, làm người thì khó tránh khỏi sơ suất. Và sau đây là những lời buộc miệng dẫn đến kết quả thương thuyết bất lợi.

13

1. “Trong khoảng”

Khi thương thuyết, nhiều doanh nhân có thói quen gợi ý cho đối phương chọn lựa trong một khoảng giới hạn. Ví dụ như với khách hàng thì: “Tôi có thể thực hiện gói dịch vụ này trong khoảng từ 10.000 đến 15.000 USD”. Hoặc với một nhân viên sắp vào làm thì: “Bạn có thể bắt đầu trong khoảng từ 1 đến 15 tháng 4 tới”.

Khoảng giới hạn mà bạn đưa ra đồng nghĩa với thái độ nhượng bộ. Mà nếu đối phương tinh khôn thì sẽ đề nghị giá thấp nhất 10.000 USD, hoặc ngày đi làm trễ nhất 15/4. Nói cách khác, khi trao đối phương quyền chọn lựa giữa một khoảng giới hạn thì bạn đang rước bất lợi về mình.

2. “Tôi nghĩ thỏa thuận của chúng ta đã gần đến hồi kết”

Khi thực hiện thương thuyết, ai cũng muốn nhanh chóng hoàn thành. Đạt đến một tiến độ nhất định, bạn mừng thầm trong bụng và vững tin vào kết thúc tốt đẹp, nên buộc miệng nói ra câu đó. Nhưng bạn cần lưu ý rằng khi nói ra là đã thể hiện tâm trạng khấp khởi hy vọng hồi kết mà xao lãng phần lợi ích của mình trong thỏa thuận.

Vậy nên, các chuyên gia khuyên rằng nếu không gặp áp lực thời gian, thì bạn đừng để lộ cảm xúc bản thân, mà hãy khéo léo khơi gợi đối phương cũng mong chờ việc kết thúc thương thuyết chẳng thua gì mình.

3. “Anh hãy gợi ý con số cụ thể”

Có nhiều cách nghĩ khác nhau về vấn đề nàY. Nhiều doanh nhân có chủ trương để đối phương ra giá, rồi dựa vào đó mà cân nhắc rồi thỏa thuận lên xuống giá theo nhu cầu. Như vậy có lợi hơn.
Nhưng một số nghiên cứu lại cho thấy rằng kết quả thương thuyết thường gần với con số đầu tiên được đưa ra. Đặc biệt, khi bên bán đưa ra lời đề nghị thì giá thỏa thuận cuối cùng thường cao hơn khi bên mua đưa ra lời đề nghị.

4. “Tôi là nhân vật chủ chốt của bên này và là người đưa ra quyết định cuối cùng”

Trước thương thuyết, mọi người thường hỏi: “Ai là người nắm quyền quyết định bên anh?”. Nhiều doanh nhân tự hào khẳng định mình trước đối phương. Tuy nhiên, các chuyên gia khuyên bạn nên lùi lại một bước. “Khi là nhân vật trung tâm, bạn dễ bị dồn vào thế bí. Hãy vờ như có một nhà đầu tư, một cổ đông cốt cán ẩn mặt nào đó nắm quyền cao nhất và bạn ở đây chỉ để lắng nghe”. Và như thế, doanh nhân sẽ có thêm thời gian quan sát đối phương, suy tính kỹ càng trước khi đưa ra kết luận cuối.

5. Chửi thề

Những người thương thuyết giỏi không bao giờ để lộ bản thân. Họ miễn nhiễm với lời chỉ trích và hầu như chẳng bao giờ bối rối. Không dao động dù trong bất kỳ tình huống nào.

Doanh nhân thường thẳng thắn và hành xử theo phong cách cá nhân. Nhưng trong thương thuyết thì quan trọng nhất là phải thật bình tĩnh. Đừng bao giờ để những phát biểu hay đề nghị của đối phương khiến bạn rơi vào trạng thái mất kiểm soát hành vi và lời nói bản thân. Bạn càng bình tĩnh thì đối phương càng “nóng”. Và nếu đối phương có “phun trào” ngôn từ hay cử chỉ không đẹp, doanh nhân cũng đừng nghĩ đến chuyện “ăn miếng trả miếng” mà hãy tin rằng: mình đang nắm quyền kiếm soát cảm xúc. Điều cần làm là tiến tới đoạn kết của thỏa thuận trong tư thế người chiến thắng.

Theo doanhnhan.net

Trả lời